Bước vào 'kỷ nguyên mới': Niềm tin tăng trưởng đột phá trong 2025
(VNF) - Khép lại một năm 2024 với nhiều điểm sáng, nhiều kỷ lục chưa từng có được thiết lập sau gần 40 năm đổi mới. Đây chính là tiền đề để kinh tế Việt Nam tự tin có thêm bước đột phá, bước vào kỷ nguyên mới.
Năm 2024 là năm năm bản lề có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, là “bàn đạp” vững chắc để bước sang năm mới 2025 có thể “về đích” thành công.
Đồng thời,2024 cũng được coi là năm nhận diện các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để Việt Nam tự tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Bức tranh kinh tế 2024 với nhiều điểm “đột phá”
Nhìn lại năm 2024, với bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ sức mạnh vượt trội khi đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
Trong đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt hơn 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6 - 6,5%. Nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Cùng với đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế cũng ghi nhận những kết quả tích cực mang tính đột phá. Kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ vững được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%.
Xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong năm nay với tổng kim ngạch đạt kỷ lục mới gần 800 tỉ USD – mức cao kỷ lục chưa từng có trong gần 40 năm đổi mới đất nước. Điều này được minh chứng rõ ràng nhất qua sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.
Trong đó, ngành nông nghiệp có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất, không những đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu nông lâm thủy sản còn lập kỷ lục lịch sử. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2023.
Thêm vào đó, xuất khẩu dệt may cũng là điểm sáng khi kim ngạch xuất khẩu năm 2024 dự kiến cán mốc 44 tỷ USD, tăng gần 11% so với năm 2023. Sự phát triển mạnh mẽ này đưa dệt may Việt Nam trở lại vị trí thứ hai thế giới, chỉ sau Ấn Độ về thặng dư xuất khẩu.
Gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng tiếp tục tăng cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối tháng 11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt gần 31,4 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam được coi là điểm đến lý tưởng, thu hút nhiều “đại bàng” đến xây tổ, có thể kể đến như Samsung, Google, Apple, Foxcon,…
Mới đây, Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết hợp tác thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu Châu Á.
Lĩnh vực thương mại điện tử cũng đã ghi nhận một bước tiến quan trọng. Theo Bộ Công thương, năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng.
Năm 2024 cũng là năm đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong thực hiện đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp công nghệ cao và các mô hình kinh tế mới như trung tâm tài chính quốc tế, khu vực, khu thương mại tự do… tại một số địa phương.
Cũng nhờ những kết quả tích cực, nhiều tháng liền vượt xa kế hoạch đề ra, do đó nhiều lần các tổ chức tài chính quốc tế phải nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 cao hơn so với dự báo trước đó. Và với mức tăng trưởng 7% của năm nay, nền kinh tế Việt Nam đã chính thức vượt mọi dự báo từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Tăng trưởng đột phá trong năm 2025
Với những kết quả ấn tượng trong năm 2024, nhiều tổ chức quốc tế cũng đưa ra những dự báo lạc quan về khả năng duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2025.
Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD vào năm 2025, vươn lên đứng thứ 33 thế giới. HSBC cũng đánh giá cao triển vọng của Việt Nam, dự báo GDP năm 2025 sẽ tăng trưởng 6,5%, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hàng đầu khu vực.
Thậm chí, Trung tâm Dự báo và Phân tích Kinh tế Độc lập CEBR còn dự báo quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Singapore vào năm 2029 với GDP dự tính đạt 676 tỷ USD, so với mức 656 tỷ USD của đảo quốc này.
CEBR cho rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 5,8% cho giai đoạn 2025-2029. Từ năm 2030 đến 2039, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình sẽ giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ở mức 5,6%/năm.
Bên cạnh những dự báo lạc quan của các tổ chức quốc tế, Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 cũng đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%.
Đặc biệt, trong Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định: Mục tiêu cụ thể là phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao). Đó sẽ là tiền đề cho Việt Nam hướng tới giai đoạn mới, với dấu ấn bứt phá liên tục, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa nhằm phát triển nhanh, bền vững.
Để đạt được mục tiêu này, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Trước hết phải tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, kiểm tra, giám sát, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 để các quy định mới đi vào thực tiễn nhanh nhất.
Thủ tướng cũng chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia sẽ được đẩy mạnh ngay từ đầu năm. Thu ngân sách dự kiến cao hơn khoảng 10% so với năm 2024 và tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.
Riêng nguồn tăng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 sẽ được bố trí ưu tiên cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và một số dự án khác có nhu cầu trong năm tới.
Nông sản Việt: Năm mới, cùng điểm lại những con số kỷ lục
- Ngành Dầu khí Việt Nam ‘vươn mình’ cùng đất nước 26/11/2024 04:19
- Doanh nghiệp tư nhân trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc 13/10/2024 06:30
- Doanh nhân là trụ cột trong kỷ nguyên vươn mình 13/10/2024 03:30
Vào công trường thi công 600 căn nhà ở xã hội tại Long Biên - Hà Nội
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.