Cải tạo khu tập thể Đại học Thủy Lợi: Tập đoàn T&T đề xuất gì?

Anh Hùng - 15/07/2020 07:25 (GMT+7)

(VNF) - Công ty cổ phần Tập đoàn T&T đã đề xuất 2 phương án về việc cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Đại học Thủy Lợi tại quận Đống Đa, TP Hà Nội.

VNF
Việc triển khai cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ trên địa bàn được xem là vấn đề cấp bách của TP Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Cuối năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã hoàn tất việc giao 19 doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết 1/500 để cải tạo các khu chung cư cũ có chiều cao từ 2-6 tầng. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T được giao lập quy hoạch tại khu tập thể Đại học Thủy lợi.

Vị trí khu vực nghiên cứu

Về hiện trạng khu vực nghiên cứu, Tập đoàn T&T cho biết diện tích lập quy hoạch là 14,4ha, dân số hiện tại trong khu vực nghiên cứu là 3.881 người, trong đó, dân số nhà tập thể là 2.735 người, dân số nhà liền kề là 1.146 người.

Khu tập thể Đại học Thủy Lợi tại quận Đống Đa hiện có 12 nhà cao từ 2-5 tầng. Tổng số diện tích đất xây dựng khu tập thể là hơn 10.500m2, với tổng số diện tích sàn đạt 38.202m2.

Hiện trạng khu tập thể Đại học Thủy Lại tại quận Đống Đa

Theo kết quả khảo sát của Tập đoàn T&T tại khu tập thể Đại học Thủy Lợi, tỷ lệ ủng hộ với chủ trương cải tạo chung cư cũ đạt 75%; số không đồng thuận chiếm 25%. Với các hộ dân đang sống tại nhà liền kề chung cư cũ: 20% đồng ý cải tạo và 80% không đồng ý cải tạo. Nhu cầu tái định cư tại chỗ: 93,3% các hộ đang sống tại nhà chung cư trả lời có mong muốn; nhu cầu mua thêm diện tích: 52,1%.

Vừa qua, TP Hà Nội đã giới thiệu về đề xuất ý tưởng quy hoạch cải, xây dựng lại khu tập thể đại học Thủy Lợi do Tập đoàn T&T thực hiện. Trong đó, Tập đoàn T&T đã đưa ra 2 phương án cải tạo.

Cụ thể, phương án 1, dự án cải tạo khu tập thể Đại học Thủy Lợi được thực hiện theo định hướng quy hoạch chung, quy định, quy chế được duyệt và quy hoạch phân khu đang hoàn chỉnh. Phương án này cho phép chiều cao tối đa của các tòa chung cư là 24 tầng.

Với phương án này, tổng dân số tại đây sẽ được tăng lên gần 6.900 người, tăng thêm hơn 3.000 so với dân số hiện tại. Tổng diện tích sàn đạt được là hơn 200.000m2. Trong đó, diện tích sàn thương mại là hơn 22.000m2, diện tích sàn chung cư hơn 151.000m2 và diện tích sàn văn phòng hơn 31.000m2.

Phương án 1 cải tạo xây dựng lại khu tập thể Đại học Thủy Lợi

Về phương án 2, việc cải tạo khu tập thể sẽ được tính toán cân đối hiệu quả đầu tư, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân và nhà nước. Phương án này cho phép chiều cao tối đa các tòa chung mới lên 35 tầng.

Tổng diện tích sàn đạt được nếu thực hiện phương án 2 là hơn 270.000m2, trong đó, diện tích sàn thương mại đạt hơn 21.000m2, diện tích sàn chung cư đạt hơn 202.000m2 và diện tích sàn văn phòng đạt gần 46.000m2.

Đáng chú ý, nếu cải tạo theo phương án 2, dân số tại đây sẽ tăng lên khoảng 8.300 người, cao gấp 2 lần so với dân số hiện tại.

Phương án 2 cải tạo xây dựng lại khu tập thể Đại học Thủy Lợi

Việc triển khai cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ trên địa bàn được xem là vấn đề cấp bách của TP Hà Nội khi mà chất lượng của các khu tập thể đang ngày một xuống cấp. Tính trên địa bàn thành phố, hiện có gần 1.300 chung cư cũ tại 76 khu và 306 khu chung cư độc lập có quy mô 2-5 tầng. Các khu này đều được xây dựng từ những năm 1960 đến 1990 và đa số đều hết niên hạn sử dụng.

Đã có rất nhiều phương án được đề xuất, tuy nhiên đều không đáp ứng được yêu cầu. Các phương án đưa ra phần lớn hoặc là không đáp ứng được yêu cầu tài chính hoặc ảnh hưởng đến quy hoạch và tạo thêm áp lực về hạ tầng xã hội, giao thông cho khu vực nội đô.

Về vấn đề này, có nhiều chuyên gia cho rằng, công tác cải tạo chung cư cũ theo phương án xây dựng tổng thể toàn khu bằng phương thức huy động nguồn lực xã hội hóa có thể coi là chủ trương đúng đắn. Song, để thực hiện lại là thách thức lớn do còn vướng mắc về cơ chế, quy hoạch.

Có thể nói, thành phố Hà Nội có rất nhiều quyết tâm trong công tác cải tạo chung cư cũ, nhiều kế hoạch với những cột mốc quan trọng đã được đưa ra, nhiều doanh nghiệp cũng được trải thảm đỏ kêu gọi… thế nhưng trên thực tế, công tác cải tạo chung cư cũ dường như vẫn “dậm chân” tại chỗ.

Tính đến nay, trên toàn TP Hà Nội chỉ mới hoàn thành xây dựng lại 14 nhà chung cư cũ theo hai mô hình đầu tư là sử dụng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa. Chủ yếu đây là những tòa chung cư đơn lẻ, nằm ở các vị trí “đắc địa”.

Để tháo gỡ “nút thắt” này, nhiều chuyên gia đề nghị thành phố nên có cơ chế chính sách đặc thù cho những nhà đầu tư vào cải tạo chung cư cũ. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để các hộ dân thay đổi tư duy, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc với thành phố và doanh nghiệp...

Cùng chuyên mục
Tin khác