Cận cảnh cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe 30/4

Nam Phương - 19/04/2023 14:38 (GMT+7)

(VNF) - Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa, 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết - Vĩnh Hảo sẽ thông xe, VietnamFinance đã trực tiếp ghi nhận việc thi công nước rút trên công trường ngày 18/4 vừa qua.

Nút giao tại tuyến Long Thành – Dầu Giây và tuyến Phan Thiết - Dầu Giây tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai

Là thành phần của dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, 2 tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Phan Thiết – Vĩnh Hảo (gồm 6 làn xe, rộng 32m) đang được gấp rút hoàn thành, thông xe vào dịp 30/4 năm nay theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và quyết tâm của chủ đầu tư cùng các nhà thầu.

Điểm vào tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Theo thiết kế, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây (dài 99km) và Phan Thiết - Vĩnh Hảo (dài 100,8km) kết nối Đồng Nai và Bình Thuận đi vào hoạt động, sẽ rút ngắn đáng kể thời gian đi từ TP. HCM đến các điểm du lịch tại tỉnh Bình Thuận.

"Khi chưa có cao tốc Long Thành - Dầu Giây, du khách đi từ TP. HCM đến TP. Phan Thiết phải mất 7 giờ đồng hồ theo tuyến QL1. Sau khi có cao tốc Long Thành - Dầu Giây thì thời gian di chuyển của du khách đến với thành phố biển Phan Thiết chỉ còn 4 giờ. Và khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hoàn thành đưa vào khai thác, du khách từ TP. HCM đến Phan Thiết chỉ còn 2 giờ 30 phút", đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho cho hay.

Các nhà thầu tập trung phương tiện, nhân lực thảm những lớp nhựa cuối cùng

Được khởi công từ khởi tháng 9/2020, dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng. Theo kế hoạch ban đầu, dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên được gia hạn đến 30/4/2023. 

Một nhà thầu cho biết, trong quá trình triển khai dự án gặp nhiều trắc trở, nhưng giai đoạn khó khăn nhất đã vượt qua. Các kỹ sư trên công trường khẳng định, trong 10 ngày nữa diện mạo của tuyến cao tốc này sẽ khác hoàn toàn và chắc chắn ngày 30/4 tới đây sẽ thông xe toàn tuyến.

Nhà thầu triển khai nhiều thiết bị, tập trung thi công lớp nhựa đường VOT tạo nhám giúp phương tiện di chuyển an toàn với vận tốc cao 

Được biết, từ đầu tháng 11/2022, các nhà thầu đã tập trung nguồn lực, triển khai "3 ca 4 kíp" để đẩy nhanh tiến độ của dự án. Đến nay nhiều hạng mục trên tuyến đã hoàn tất, còn một số hạng mục đang thi công như trải thảm mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, đường gom, đường ngang dân sinh, trạm thu phí tạm...

Lắp đặt rào chắn bằng thép mạ kẽm ngăn cách giữa khu dân sinh và cao tốc, đảm bảo an toàn giao thông

Trong chuyến thị sát tại hiện trường tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu các Ban QLDA phải xây dựng chi tiết tiến độ theo biểu đồ đếm ngược, giám sát chặt các nhà thầu. Đối với các hạng mục an toàn giao thông, biển báo… phải hoàn thành trước 25/4 để nghiệm thu đưa vào khai thác. Sau đó các cầu vượt đường gom, cầu vượt dân sinh khẩn trương thi công để đảm bảo việc đi lại của người dân.

Hệ thống rãnh thoát nước dọc tuyến đang được khẩn trương thi công

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây), liên danh các nhà thầu thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là những đơn vị có năng lực, kinh nghiệm nên dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Nhiều đoạn trên tuyến cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo chuẩn bị lắp xong dải phân cách, vạch sơn...

Cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo cũng được khởi công từ tháng 9/2020, có tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Theo Ban Quản lý Dự án 7 (đại diện chủ đầu tư cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo), để bảo đảm thông xe tuyến chính đưa vào khai thác trước 30/4/, Ban QLDA đã yêu cầu các nhà thầu tập trung tối đa mọi nguồn lực, tăng ca tăng kíp để thi công các hạng mục trên tuyến chính.

Hiện dự án đang hoàn thiện toàn bộ hệ thống an toàn giao thông như: hộ lan, dải phân cách, tấm chống chói, vạch sơn, biển báo... hoàn thiện các nút giao liên thông, các hầm chui và cầu vượt ngang, cùng với đó hoàn thành một phần hệ thống rãnh dọc và hàng rào để bảo đảm khai thác.

Nhà thầu nhanh chóng thi công các mố cầu vượt dân sinh sau hơn 3 tháng thiếu nguồn đất đắp

Gần đây, một trong những khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án là thiếu nguồn đất đắp. Nhiều nhà thầu phải tự chủ động đi mua nguồn đất đắp thương mại ở ngoài, khiến vốn bỏ ra cao hơn nhiều lần. Một nhà thầu chia sẻ, có tiền mua đất cũng khó vì khoảng cách quá xa. Chi phí vận chuyển với quãng đường từ 40-50km còn cao hơn tiền mua đất. 

Vừa qua, UBND các tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận đã nhanh chóng xúc tiến các thủ tục gia hạn khai thác nguồn đất đắp, hỗ trợ các nhà thầu chạy đua với thời gian để đảm bảo tiến độ đã cam kết.

Nhà thầu đẩy mạnh khai thác đất đắp phục vụ công trường tại Bình Thuận

Tỉnh Đồng Nai đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và được chấp thuận cho thực hiện gia hạn các dự án cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi vật liệu san lấp để đảm bảo hoàn thành tuyến đường cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây trước ngày 30/4/2023. Trước đó, Chính phủ cũng đã đồng ý cho phép tỉnh Bình Thuận cấp lại giấy phép khai thác đất đắp cho nhà thầu đối với 6 mỏ đất đắp đã được cấp cho các nhà thầu thực hiện dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo đã hết hạn.

Với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, khó khăn về nguồn đất đắp dần được tháo gỡ, kịp thời hỗ trợ các nhà thầu hoàn thành tuyến cao tốc này trước ngày 30/4/2023.

Nút giao quan trọng giữa cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo và QL28 đang sớm hoàn thành cầu vượt và đường dẫn

Chuẩn bị đón dự án sắp đưa vào vận hành, đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hồ hởi cho biết, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua Bình Thuận có tổng chiều dài hơn 160 km; hệ thống quản lý, khai thác và vận hành theo hướng giao thông thông minh; vận tốc lên đến 120 km/giờ. Với 7 nút giao liên thông (trung bình khoảng 23km/nút), tuyến cao tốc cho phép các phương tiện lên xuống dễ dàng, thuận tiện với các trung tâm đô thị, các khu du lịch; các cụm công nghiệp và đầu mối giao thông khác của địa phương.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo kết nối giao thương quan trọng không chỉ giữa Đồng Nai và Bình Thuận mà còn giữa các tỉnh Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ

Đây là tuyến giao thông huyết mạch được ngân sách nhà nước đầu tư lớn nhất ở địa phương này trong suốt hơn 46 năm qua. Không chỉ lớn nhất về quy mô, kinh phí đầu tư mà còn là tuyến đường “lớn” trong chiến lược phát triển giao thông của đất nước đối với các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, trong đó có Bình Thuận, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận chia sẻ thêm.

Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo sẽ sớm thông xe, là một thành phần quan trọng của cao tốc Bắc - Nam phía Đông, góp phần liên thông "đại lộ sinh đại phú" phát triển kinh tế - xã hội đất nước. 

Cùng chuyên mục
Tin khác