Cận cảnh cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết những ngày đầu năm Quý Mão

Nam Phương - 25/01/2023 14:33 (GMT+7)

(VNF) - Với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết được kỳ vọng trở thành động lực thúc tăng trưởng kinh tế các địa phương mà tuyến đường đi qua. Mục sở thị Dự án những ngày đầu năm Quý Mão, VietnamFinance ghi nhận công trường vẫn thi công xuyên Tết, đảm bảo tiến độ sớm đưa vào khai thác sử dụng trước ngày 30/4/2023.

VNF
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 - 2020). 

Được thông xe kỹ thuật vào cuối tháng 12/2022, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thuộc Dự án Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 - 2020). 

Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban Điều hành Dự án, cho biết các đơn vị và nhà thầu thi công đã hoàn thành thông xe kỹ thuật trên toàn tuyến đúng kế hoạch vào ngày 31/12/2023. Đội ngũ kỹ sư, công nhân cùng thiết bị máy móc đã thi công liên tục ngày đêm.

Với tổng chiều dài 99km, Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có quy mô công trình cấp đặc biệt được thiết kế vận tốc 120km/h, 4 làn xe với chiều rộng mặt đường 23,5m (phân kỳ). Dự án có 6 nút giao khác mức, 65 cầu (18 cầu trên tuyến, 47 cầu vượt). Dự án có 4 gói thầu XL01 thuộc tỉnh Bình Thuận đến XL04 thuộc tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư gần 12.577 tỷ đồng. Sau khi thông xe kỹ thuật, các phương tiện ôtô có thể chạy xuyên suốt toàn tuyến. 

Ghi nhận thực tế sáng Mồng 4 Tết, tại nút giao Quốc lộ 1 (thuộc gói XL03), công trường đang thi công dở dang, các tuyến nối vào quốc lộ vẫn chưa thể sử dụng. Tuy nhiên, nhiều đoạn đã được thảm nhựa, kẻ vạch đường và lắp thiết bị chiếu sáng.

Nói về gói thầu XL03 (dài 35,3km, mức đầu tư hơn 35,3 nghìn tỷ đồng), thuộc liên danh Vinaconex - Trung Chinh, Giám đốc điều hành dự án ông Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ những tháng trước, nút giao với Quốc lộ 1 qua huyện Xuân Lộc - Đồng Nai thực hiện chậm, do vừa làm vừa đảm bảo an toàn giao thông khu vực. Chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực cho các mũi thi công, luôn duy trì 2 dây truyền thảm nhựa thi công cuốn chiếu.

Thời gian triển khai Dự án kéo dài do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, vật liệu thi công. Mặt khác, mùa mưa đến sớm và kết thúc trễ năm 2021 - 2022 làm công trình bị đình trệ thi công và ảnh hưởng lạm phát toàn cầu cũng tác động đến giá nguyên nhiên vật liệu thực hiện công trình, ông Hải cho biết thêm.

Tại Đồi KM32 thuộc gói thầu XL02 (dài 31,2km, mức đầu tư 31,2 nghìn tỷ đồng), thuộc Liên danh Cienco 4 - Phương Thành, đoạn đường hiện cơ bản đã hoàn tất thảm nhựa, mặc dù trước đó vào tháng 11/2022 vẫn còn ngổn ngang do nhà thầu vẫn còn phải nổ mìn phá đá.

Ông Trần Viết Lai, Phó giám đốc điều hành gói thầu XL02, cho hay đoạn Km30 + Km32 thực hiện khá khó khăn do vướng hành lang truyền dẫn điện. Ngay sau khi giải quyết các vướng mắc, đơn vị thi công đã huy động toàn lực để thảm nhựa, đảm bảo yêu cầu thông xe kỹ thuật.

Trên công trường gói thầu XL01 (dài 16km, mức đầu tư gần 1 nghìn tỷ đồng), thuộc liên danh Cienco 8 - Phúc Lộc - Vạn Tường, phóng viên VietnamFinance ghi nhận nhiều đoạn công trường vẫn còn khá ngổn ngang, tuy nhiên các ca - kíp vẫn đang hối hả thi công thảm nhựa xuyên Tết.

Được biết, để đảm bảo cam kết thực hiện mục tiêu "Thi đua 120 ngày đêm để thông xe kỹ thuật" do Bộ Giao thông Vận tải phát động tháng 9/2022, các nhà thầu đã huy động bổ sung thêm 150 nhân lực, máy thi công và hơn 100 xe vận chuyển các loại...; tổ chức thêm 12 dây truyền thi công nền đường, thi công nền móng và bố trí làm việc 3 ca, 4 kíp.

Bởi vậy, đến đầu năm 2023, toàn tuyến đã thảm xong bê tông mặt đường hơn 90km, lắp đặt khoảng 70km dải phân cách, ước hoàn thành 92% tổng sản lượng thi công, dự kiến chính thức đưa vào khai thác sử dụng trước ngày 30/4/2023.

Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khi vận hành sẽ giúp hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận gỡ nút thắt về hạ tầng, rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển từ TP. HCM đến Phan Thiết còn 2 giờ đồng hồ thay vì 4,5 giờ như hiện nay. Cao tốc sẽ kết nối sân bay quốc tế Long Thành, tạo trục giao thông liền mạch TP. HCM - Long Thành - Phan Thiết.

Dự án được đánh giá có ý nghĩa quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, tăng cường kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và các tỉnh Nam Trung bộ, góp phần liên thông tuyến cao tốc trọng điểm Bắc - Nam phía Đông.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.