Cận kề 'X-Date': Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ, kho bạc cạn tiền chỉ còn 88 tỷ USD

Linh Anh - 13/05/2023 08:06 (GMT+7)

(VNF) - Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, vẫn chưa chắc chắn chính xác khi nào Kho bạc sẽ hết tiền mặt để trả các khoản nợ của chính phủ Mỹ. Nước Mỹ đang đối mặt với thời điểm "X-Date" được dự kiến là ngày 1/6.

VNF
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Trong một thông báo được đưa ra ngày 12/5, Bộ Tài chính Mỹ cho biết chỉ có 88 tỷ USD từ các biện pháp đặc biệt để thanh toán cho các hoá đơn của chính phủ kể từ ngày 10/5. Con số này giảm so với khoảng 110 tỷ USD một tuần trước đó và tương đương với chỉ khoảng 1/4 trong số 333 tỷ USD từ các biện pháp khẩn cấp để giúp chính phủ không bị cạn tiền mặt.

Phát biểu bên lề cuộc họp của các quan chức tài chính nhóm G7 tại Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với Bloomberg rằng chính quyền Tổng thống Biden đang làm việc không quản ngày đêm để ngăn chặn biến động kinh tế có thể xảy ra nếu Nghị viện không nâng mức trần nợ 31.400 tỷ USD.

Tuần trước, bà Yellen đã cảnh báo nước Mỹ có thể tiến tới giới hạn vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 1/6, do Kho bạc không còn đủ tiền mặt để thực hiện các nghĩa vụ tài chính của quốc gia.

Theo bà Janet, bà đã đã thảo luận vấn đề này với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong những tuần gần đây và trong tuần tới sẽ gặp các chủ ngân hàng cấp cao của Phố Wall về khả năng Washington có thể vỡ nợ lần đầu tiên kể từ năm 1789.

"Trọng tâm của chúng tôi là đảm bảo rằng Nghị viện sẽ nâng trần nợ. Tôi cảm thấy đó là điều chúng tôi sẽ thành công và chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng điều đó sẽ được thực hiện", bà Janet nói.

Bà cho rằng việc các nhà lãnh đạo Phố Wall và chủ doanh nghiệp lên tiếng về cuộc tranh luận về giới hạn nợ đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế toàn cầu, gây ra "mức độ bất ổn nghiêm trọng", là điều hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên, bà Yellen đã né tránh câu hỏi liệu Bộ Tài chính có tiếp tục thanh toán chứng khoán nếu nợ công chạm trần hay không. Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói rằng không có lựa chọn tốt nào khác ngoài việc Nghị viện tăng giới hạn nợ, vì nó đã được thực hiện gần 80 lần kể từ năm 1960.

"Chúng tôi chưa thảo luận về việc phải làm gì nếu điều đó không xảy ra. Trọng tâm của chúng tôi là hoàn thành nó", bà Yellen nói.

Bà Yellen cho biết Bộ Tài chính chỉ có thể đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn về thời điểm chính xác sẽ hết tiền mặt để thanh toán các hóa đơn của chính phủ khi "X-date" cận kề. Hiện tại, X-date đang được đặt là ngày 1/6.

Mới đây, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass chia sẻ với Reuters rằng rủi ro vỡ nợ của Mỹ đang làm trầm trọng thêm các vấn đề mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, do lãi suất tăng và mức nợ cao làm cản trở các khoản đầu tư cần thiết để thúc đẩy sản lượng cao hơn.

"Rõ ràng, sự suy sụp trong nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là điều tiêu cực đối với tất cả mọi người. Hệ quả xảy ra sẽ rất tệ nếu không được giải quyết", ông Malpass nói bên lề cuộc họp G7. 

Tương tự, ngày 11/5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo về “những hậu quả rất nghiêm trọng” đối với Mỹ và nền kinh tế toàn cầu nếu quốc gia này vỡ nợ, kêu gọi các đảng viên Đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được sự đồng thuận về mức trần nợ mới.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết ông hy vọng các chính trị gia Mỹ sẽ đi đến một quyết định "trưởng thành" để tăng trần nợ liên bang, cảnh báo rằng sẽ có rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu nếu họ không làm như vậy.

Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden và Đảng Cộng hòa, những người kiểm soát Hạ viện Mỹ, hiện vẫn mâu thuẫn về nhu cầu nâng giới hạn nợ sau 2 cuộc họp được tổ chức trong tuần này.

Trong khi Tổng thống Biden nói rằng Nghị viện có nghĩa vụ theo hiến pháp là tăng mức trần mà không cần điều kiện, thì Đảng Cộng hòa đã coi việc nâng trần nợ như một điều kiện trao đổi, đòi hỏi chính phủ phải cắt giảm ngân sách một cách sâu rộng.

Xem thêm >> Áp lực trần nợ công, nỗi lo lạm phát phủ 'bóng đen' trên Phố Wall

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác