Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2: Cần cụ thể phương án và tiêu chí lựa chọn nhà thầu

Nam Phương - 07/10/2022 18:58 (GMT+7)

(VNF) - Cao tốc Bắc - Nam (phía Đông) giai đoạn 2 là dự án hạ tầng giao thông đường bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Lựa chọn được nhà thầu mạnh, triển khai thực hiện dự án đúng cam kết, đảm bảo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công đang là vấn đề cần lưu tâm hiện nay của ngành giao thông.

VNF
Công trường thi công cao tốc Bắc - Nam

Trễ tiến độ vì nhà thầu yếu kém, ảnh hưởng giải ngân đầu tư công

Bước vào quý IV/2022, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cam kết "thúc” các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch.

Trên thực tế, báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, từ nay tới cuối năm 2022, toàn ngành cần tiếp tục giải ngân 23.368 tỷ đồng (46,4%), trong đó 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 1) cần giải ngân khoảng 5.106 tỷ đồng.

Tỷ lệ giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng về cơ bản đạt 100%. Tuy nhiên giải ngân cho công tác xây lắp hoàn thành đến hết tháng 8/2022 đạt khoảng 28.076,17 tỷ đồng, tương đương 49,2% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,17%. Trong đó, 4 dự án hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 67,5% giá trị hợp đồng, chậm 1,25% so với kế hoạch, báo cáo cho cho biết.

“Sốt ruột” với việc chậm trễ, tháng 9 vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo của Chính phủ đã đích thân đến hiện trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tiến độ của 4 dự án thành phần (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp thị sát, đôn đốc tiến độ 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam tháng 9/2022

Có thể nói, năng lực “yếu kém” của nhà thầu là một nguyên nhân làm ách tắc quá trình thực hiện dự án trọng điểm quốc gia. Bộ GTVT đã phải mạnh tay cắt chuyển việc thi công của nhà thầu không đủ năng lực cho các nhà thầu khác thực hiện. Đơn cử, tại dự án thành phần Vĩnh Hảo-Phan Thiết, gói thầu XL01, đã điều chuyển 1km thi công nền đường (50% khối lượng thi công theo hợp đồng) của thầu phụ Công ty cổ phần Giao thông Xây dựng số 1 cho thầu chính là Công ty Cổ phần Đạt Phương thực hiện.

Hay như tại dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, Bộ đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cắt chuyển 1,49km (0,56km thuộc gói thầu XL3 và 0,93km thuộc gói XL5) và một số đường đầu cầu, đường đầu hầm chui tại các gói thầu XL3, XL5 và XL7 của một số nhà thầu phụ cho nhà thầu chính thi công.

Bài toán "đảm bảo thi công đúng cam kết" đang được đặt ra khi công tác chuẩn bị triển khai thi công giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc - Nam đang đến gần.

Cần làm gì để thực hiện đúng kế hoạch, không trễ tiến độ?

Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ đã kiến nghị giải pháp phân chia gói thầu với phạm vi khoảng 20 - 40 km/gói thầu và có giá trị dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng (12 dự án thành phần với chiều dài khoảng 729km, dự kiến chia khoảng 30 gói thầu); số lượng nhà thầu liên danh khoảng 3 nhà thầu/gói thầu.

Với số lượng nhà thầu đáp ứng quy mô gói thầu có giá trị 1.500 tỷ đồng trở lên không nhiều, do đó một nhà thầu có thể được chỉ định thầu nhiều hơn một gói thầu (nếu đáp ứng năng lực thực hiện).

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho biết thực tiễn triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cho thấy việc phân chia gói thầu có giá trị xây lắp khoảng 3.000-5.000 tỷ đồng tương ứng với hợp đồng tư vấn giám sát có giá trị khoảng 20-40 tỷ đồng, sẽ phù hợp năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu tư vấn giám sát Việt Nam hiện nay.

Về tiêu chí lựa chọn nhà thầu, Bộ GTVT đề xuất, nhà thầu phải đáp ứng điều kiện như có chứng chỉ năng lực đối với công trình đường bộ; có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự về mặt kỹ thuật với tư cách là nhà thầu (cùng loại và cấp công trình).

Nhà thầu phải có giá trị hợp đồng tương tự tối thiểu 50% giá gói thầu đang xét; nguồn lực tài chính phải đáp ứng yêu cầu; doanh thu bình quân từ hoạt động xây dựng 3 năm gần nhất phải tương đương với giá gói thầu đang xét.

Ngoài ra, nhà thầu phải huy động nhân sự, máy móc, thiết bị phù hợp với quy mô gói thầu để triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ. Trường hợp nhà thầu tham gia nhiều gói thầu thì phải đảm bảo không có sự trùng lặp về nhân sự, máy móc, thiết bị giữa các gói thầu và đáp ứng nguồn lực tài chính bố trí cho từng gói thầu.

Trường hợp liên danh để tham gia gói thầu, từng thành viên phải đáp ứng điều kiện năng lực, kinh nghiệm tương ứng nội dung, phạm vi công việc đảm nhận theo thỏa thuận liên danh.

TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông, nêu quan điểm để chỉ định được nhà thầu đủ năng lực tài chính, thi công cần các tiêu chí rõ ràng, công khai. Cùng với đó, cần các tiêu chí về vốn, như số vốn tự có, khả năng huy động tín dụng cho thi công, yêu cầu ký quỹ để chứng minh năng lực. Khi ký hợp đồng cũng cần nêu rõ các điều kiện về xử phạt vi phạm cam kết, vi phạm chất lượng, tiến độ, kể cả điều khoản cấm tham gia các dự án giao thông khác. Trong quá trình thi công, ngoài trách nhiệm giám sát của tư vấn, các cơ quan đại diện chủ đầu tư cũng phải thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các nhà thầu.

Quá trình thực hiện chỉ định thầu cần có cách thức, tiêu chí để làm sao lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, chuyển nhượng thầu không đúng quy định, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm nhận định.

Theo Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ về triển khai đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 (2021 – 2025), Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm (2022 và 2023) với gói thầu xây lắp các dự án thành phần; tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu) và các gói thầu quan trọng khác (nếu thấy cần thiết). Quyết định chỉ định thầu dựa trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và kết quả thẩm định của Bộ KH&ĐT.
Cùng chuyên mục
Tin khác