Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Hà Tĩnh là địa phương có gần 109km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua với 3 dự án thành phần, gồm: đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài hơn 35km, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài gần 54km và đoạn Vũng Áng - Bùng (tỉnh Quảng Bình) dài 56km (đoạn qua địa bàn tỉnh dài gần 14km).
Theo tính toán ban đầu, tổng mức đầu tư đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi khoảng hơn 7.400 tỷ đồng; trong đó: chi phí xây dựng và thiết bị hơn 4.680 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 1.323 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư sơ bộ đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng khoảng 10.185 tỷ đồng; trong đó: chi phí xây dựng và thiết bị hơn 6.320 tỷ đồng, chi phí giải phóng khoảng 1.848 tỷ đồng.
Đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long - Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) cho biết sau một thời gian tiến hành khảo sát, thỏa thuận với địa phương, đơn vị này đã hình thành được thiết kế sơ bộ hai dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đi qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh.
Cụ thể, dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có chiều dài tuyến khoảng 35,18 km; điểm đầu tại vị trí nút giao với QL8A (Km479+117.20) thuộc địa phận xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh (kết nối dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt); điểm cuối sau vị trí giao cắt với đường Hàm Nghi (quy hoạch) tại Km514+321,04, TP. Hà Tĩnh (kết nối dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng).
Theo phương án thỏa thuận với địa phương, công trình gồm 13 cầu tuyến chính; 12 cầu vượt ngang; 34 hầm chui dân sinh; 3 nút giao liên thông; đường gom 33,5km. Trên tuyến cũng có 14,8km phải xử lý nền đất yếu.
Đối với dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, theo thiết kế, chiều dài tuyến khoảng 53,88km; điểm đầu tại Km514+300, thuộc địa phận xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh; điểm cuối tại Km568+182.98, thuộc địa phận xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh (kết nối dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng).
“Theo phương án thỏa thuận, công trình trên tuyến gồm: 23 cầu tuyến chính, 10 cầu vượt ngang, 57 hầm chui dân sinh, 3 nút giao liên thông, hơn 55km đường gom. Chiều dài phải thực hiện xử lý nền đất yếu khoảng hơn 5km. Diện tích giải phóng mặt bằng khoảng hơn 358 ha; trong đó: đất nông nghiệp gần 182ha, đất ở hơn 47ha, đất rừng phòng hộ 13ha, đất rừng sản xuất hơn 110ha, đất khác hơn 5,5ha. Tổng số hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng khoảng 639 hộ”, đại diện Ban quản lý dự án Thăng Long thông tin.
Để đảm bảo dự án được khởi công, triển khai đúng thời gian đề ra và tránh những vướng mắc tương tự trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các đơn vị, địa phương, trong đó có Hà Tĩnh, về điều tra, khảo sát, kiểm tra các mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, trữ lượng, phù hợp với yêu cầu của dự án.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng theo yêu cầu chung, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát và tham mưu bổ sung các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mới vào quy hoạch, thực hiện cấp phép khai thác phục vụ nhu cầu trên địa bàn tỉnh, trong đó đặc biệt lưu tâm đến phục vụ xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Số liệu thống kê ban đầu của Sở Tài Nguyên Và Môi Trường Hà Tĩnh cho thấy, dự án giai đoạn 2021 – 2025 đi qua Hà Tĩnh dự kiến có nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng khoảng 16,9 triệu m3 đất đắp nền đường và khoảng 1,3 triệu m3 đá.
“Về trữ lượng các mỏ đất, đá được cấp phép trên địa bàn các huyện có tuyến đường cao tốc Bắc – Nam đi qua và vùng phụ cận cơ bản đã đáp ứng nhu cầu xây dựng”, một lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh thông tin.
Chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, hiện Hà Tĩnh đang phối hợp với các ban quản lý dự án của Bộ Giao thông Vận tải rà soát, hướng tuyến, cung cấp thông tin về dự án cho các địa phương để chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng; đến nay, đã cơ bản hoàn thành, tổng hợp kết quả rà soát sơ bộ ban đầu của dự án đi qua địa bàn.
“Hà Tĩnh có diện tích trong vùng dự án khoảng 900ha, khoảng 589 hộ bị ảnh hưởng; di dời khoảng 700 ngôi mộ; dự kiến bố trí 21 khu tái định cư... Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng ước tính 3.900 tỷ đồng”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh thông tin.
Tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các huyện, thị, thành phố liên quan đến dự án đường cao tốc thành lập ngay hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng, thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo việc cắm mốc, di dời, bàn giao mặt bằng sớm nhất cho chủ đầu tư. Các địa phương xem xét, tổng hợp các hộ nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án phải di dời để sớm xây dựng khu tái định cư, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người dân; theo dõi, quản lý hiện trạng mặt bằng trong phạm vi dự án, không để phát sinh các công trình cơi nới, lấn chiếm, trục lợi trong quá trình xây dựng dự án.
Hiện nay, Hà Tĩnh cũng đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn Bãi Vọt – Vũng Áng và tổ giúp việc cấp tỉnh, hội đồng giải phóng mặt bằng cấp huyện phục vụ dự án. Về nguồn cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch đủ và cung cấp thông tin nguồn mỏ vật liệu cho chủ đầu tư; tiếp tục rà soát, bổ sung thêm theo Nghị quyết số 60 và Nghị quyết 133 của Chính phủ để đảm bảo tiến độ triển khai dự án, hoàn thành trong tháng 3/2022.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết thêm, Bộ Giao thông Vận tải đã bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 qua 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Sau khi nhận hồ sơ thiết kế, Hà Tĩnh cũng đã giao các địa phương chủ trì, triển khai ngay công tác giải phóng mặt bằng sau khi được các chủ đầu tư bàn giao hệ thống cọc, mốc các khu vực liên quan đến dự án.
Để dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đi qua địa phương triển khai thực hiện đúng tiến độ đề ra, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị với Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn sớm có dự báo về nhu cầu sử dụng vật liệu của các dự án thành phần giúp địa phương chủ động các phương án cung cấp kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh Hà Tĩnh để việc khai thác, sử dụng vật liệu tại các mỏ đúng đối tượng, đúng mục đích.
“Chính phủ cần sớm ban hành quy chế phối hợp và kế hoạch triển khai thực hiện dự án để các địa phương có cơ sở triển khai các bước tiếp theo. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn thành khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng đối với dự án thành phần Vũng Áng – Bùng để địa phương có cơ sở triển khai, thực hiện đúng kế hoạch”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh kiến nghị.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.