CEO Pfizer: 'Chúng tôi là cỗ máy sản xuất vaccine hiệu quả nhất'
Uyên Uyên -
14/08/2021 20:49 (GMT+7)
Nhà sản xuất Pfizer cùng công ty sinh học BioNTech (Đức) đang phát triển loại vaccine ngừa Covid-19 thành công nhất thế giới.
Vaccine của Pfizer/BioNTech là loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp. Nó cũng đạt mức hiệu quả hơn 95% trước chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu.
Xét về khả năng cung cấp vaccine, công ty Pfizer cũng đứng đầu trên thế giới với khoảng 1,2 tỷ liều đã được sản xuất.
Trả lời phỏng vấn với Financial Times, Giám đốc điều hành (CEO) Albert Bourla kể lại hành trình phát triển vaccine Pfizer/BioNTech, một chiến thắng quan trọng của nhân loại trước đại dịch Covid-19.
Thành công của Pfizer
Ông Bourla nhớ lại khoảnh khắc đặc biệt, khi hai nhà cố vấn và thống kê gọi điện qua ứng dụng Zoom để thông báo vaccine của Pfizer/BioNTech đạt được mức độ hiệu quả 95%. “Tôi đã nghe thấy 95% và tôi không thể tin nổi. Tôi nghĩ tôi nghe nhầm”, ông Bourla nói.
Ông Albert Bourla, 59 tuổi, cho biết nếu công nghệ phát triển vaccine mRNA thất bại, thế giới sẽ chật vật hơn nhiều trước đại dịch. Đây là loại công nghệ dùng để phát triển vaccine của Pfizer và Moderna.
Ông Bourla nói: “Nếu công nghệ mRNA thất bại, chúng ta sẽ ở một vị thế rất khó khăn so với hiện tại. Chúng ta sẽ cần tiêm chủng cho nhiều người hơn để đạt được kết quả tương tự, thường là nhiều hơn 40%”.
Trong thời gian gần đây, doanh thu của Pfizer tăng vọt. Công ty này dự kiến tổng doanh thu cả năm đạt 34 tỷ USD, tăng khoảng 30% so với mức dự báo từ 3 tháng trước. Đây là bằng chứng cho thấy giới chức y tế thế giới ngày càng ưa chuộng vaccine sử dụng công nghệ mRNA.
Song thành công của Pfizer đi kèm với một sự hiểu lầm. Ông Bourla cho biết cuộc gọi Zoom của các nhà cố vấn xảy ra vào ngày 8/11/2020, chỉ vài giờ sau khi truyền thông Mỹ tuyên bố ông Joe Biden đắc cử tổng thống.
Lúc này, các đồng minh của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc công ty Pfizer thông đồng với đảng Dân chủ, nhằm trì hoãn việc phát triển vaccine ngừa Covid-19 và gây bất lợi cho ông Trump.
Khi ấy, ông Bourla cảm thấy thất vọng và ngạc nhiên, song vẫn hướng dẫn nhân viên tiếp tục làm việc “theo tốc độ của khoa học”.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, cựu Tổng thống Trump đã chủ động liên lạc với ông Bourla “đôi ba lần, đại loại vậy”. Ông kể lại: “Họ có số di động của tôi. Đôi khi họ chỉ nói: ‘Tổng thống muốn nói chuyện’, hoặc họ thông báo các thông tin quan trọng”.
“Ông ấy đã nói rất rõ ràng… rằng ông ấy muốn có vaccine vào tháng 10, trước khi cuộc bầu cử diễn ra, còn sớm hơn thì càng tốt vì mọi người đang chết dần”, ông Bourla kể lại. “Nhưng ông ấy chưa từng thúc ép tôi. Chưa một lần nào”.
Trên thực tế, ông Bourla đã từ chối lời đề nghị tài trợ từ chính phủ Mỹ, nhằm bảo vệ công ty khỏi các yếu tố chính trị.
Nhà sản xuất tiên phong
Ông Bourla đã đạt được một thỏa thuận với cựu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi ông còn tại vị. Theo đó, công ty Pfizer đảm bảo nguồn cung vaccine cho toàn bộ người dân Israel. Đổi lại, nước này phải cung cấp dữ liệu lâm sàng về cách triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Từ đó, Israel đã trở thành kim chỉ nam của không chỉ Pfizer, mà còn của giới chức y tế toàn cầu. Dữ liệu tại quốc gia này cho thấy vaccine giảm mức độ hiệu quả theo thời gian. Do đó, việc tiêm liều vaccine tăng cường là hoàn toàn cần thiết.
Điều gì khiến Pfizer lựa chọn Israel? Ông Bourla cho biết Israel có quy mô dân số nhỏ và làm tốt công tác thu thập dữ liệu. Nhưng yếu tố quyết định chính là ông Netanyahu.
Ông Bourla phân tích: “Bibi (ông Netanyahu) luôn muốn kiểm soát mọi thứ. Ông ấy nắm rõ mọi thứ. Ông ấy từng gọi cho tôi 30 cuộc điện thoại, để hỏi chiến lược của Pfizer với người trẻ tuổi, với biến chủng mới tại Nam Phi”.
“Ông ấy làm vậy cho người dân, và cho sự nghiệp chính trị của mình”, ông Bourla nhận xét. “Ông ấy đã tính toán sai và mất đi phần nào quyền lực. Nhưng ông ấy đã làm rất tốt”.
Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine ngừa Covid-19, nhằm đẩy mạnh nỗ lực tiêm chủng toàn cầu. Ông Albert Bourla, người có quan điểm trái ngược, đã đáp trả một cách khôn khéo.
Giám đốc Pfizer cho rằng đây là một “động thái chính trị” nhằm đánh lạc hướng dư luận quốc tế, trong bối cảnh Mỹ bị chỉ trích vì không hỗ trợ đủ vaccine cho các nước khác.
Theo ông Bourla, nguồn cung vaccine hạn hẹp là do nguyên liệu sản xuất bị thiếu hụt. Ông cũng tuyên bố: “Pfizer là cỗ máy hiệu quả nhất để chuyển đổi nguyên liệu thành các chế phẩm”. Do đó, nếu bằng sáng chế vaccine bị miễn trừ, tình hình vẫn không được giải quyết.
Về giá bán vaccine, ông Bourla sẵn sàng thương lượng với các nhà lập pháp ở Mỹ. Song ông mong muốn số tiền được giảm sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các bệnh nhân, thay vì giúp chính phủ liên bang tiết kiệm ngân sách cho chương trình chăm sóc sức khỏe.
Ông Bourla từng là nghiên cứu sinh tiến sĩ thú y tại Đại học Aristotle ở thành phố Thessaloniki của Hy Lạp. Cách đây 30 năm, ông được tuyển dụng vào làm việc tại Pfizer và trở thành giám đốc điều hành vào năm 2019.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.