Châu Âu buộc Google trả phí các báo khi dẫn lại tin tức

Tú Anh - 31/03/2019 21:11 (GMT+7)

Quy định mới tại châu Âu có thể ảnh hưởng lớn đến mô hình kinh doanh của các đại gia công nghệ như Google, Facebook...

VNF
Châu Âu buộc Google trả phí các báo khi dẫn lại tin tức.

Nghị viện châu Âu (EP) cuối cùng đã chấp thuận Copyright Directive - một dự thảo gây tranh cãi được thiết kế để cập nhật luật bản quyền tại châu Âu trong thời đại Internet.

348 thành viên nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thuận và 274 người không đồng ý với dự thảo luật mới này. Vào phút chót, một đề xuất nhằm loại bỏ về điều khoản gây tranh cãi nhất - được biết đến như điều 13 hay "bộ lọc đăng tải" cũng không được thông qua với chỉ 5 phiếu chênh lệch. Điều khoản này yêu cầu các đơn vị như YouTube phải ngăn người dùng đăng tải lại các nội dung có bản quyền.

Cùng với điều 13, Điều 11 hay còn gọi là "thuế dẫn link" đã được giữ nguyên. Điều luật này cho phép các nhà xuất bản tính phí với các nền tảng như Google News khi hiển thị lại các đoạn tin tức.

Dự thảo này sẽ được chuyển cho các quốc gia thành viên EU và họ có 24 tháng để ban hành thành luật ở từng quốc gia. Các chi tiết cụ thể của luật sẽ phải được mỗi quốc gia thành viên quy định nhưng luật này sẽ tác động rất lớn đến cách hoạt động của Internet tại châu Âu và nhiều khu vực khác.

Copyright Directive được xây dựng hơn hai năm qua và là chủ đề của các cuộc vận động hành lang quyết liệt từ các gã khổng lồ công nghệ, nhà nắm giữ bản quyền và đơn vị hoạt động bản quyền kỹ thuật số.

Những người ủng hộ cho rằng, dự luật này sẽ cân bằng sân chơi giữa những gã khổng lồ công nghệ Mỹ với những hãng sản xuất nội dung châu Âu, người sở hữu bản quyền có thể quyết định cách thức các nền tảng Internet phân phối những nội dung này thế nào. Trong khi đó, những người phản đối lại nghĩ, dự luật là mơ hồ và sẽ hạn chế các chia sẻ nội dung trực tuyến, kìm hãm sự đổi mới và tự do ngôn luận.

CNBC cho rằng quy định mới của nghị viện châu Âu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới mô hình kinh doanh của các ông lớn như Facebook, Google. Dự luật này tập trung chủ yếu vào các dịch vụ như tìm kiếm (Search) và tin tức (News) của Google. Hãng công nghệ Mỹ từng cho biết nếu các toà báo tính phí, họ sẽ loại bỏ hiển thị nội dung các tin tức trên trình tìm kiếm và dừng hoạt động Google News.

"Dự luật này sẽ dẫn đến sự không chắc chắn về pháp lý và làm tổn thương kinh tế số. Chúng tôi mong muốn được làm việc với các nhà hoạch định chính sách, nhà xuất bản, người sở hữu bản quyền...", một người phát ngôn của Google cho hay.

Bất chấp những phản ứng này, các nhóm ngành từ âm nhạc, xuất bản đến phim ảnh đều ca ngợi việc thông qua dự thảo luật. Xavier Bouckaert - Chủ tịch Hiệp hội Truyền thông tạp chí châu Âu cho rằng đây là một cuộc bỏ phiếu chống ăn trộm nội dung.

"Tất cả nhà xuất bản, người làm nội dung sáng tạo ở mọi quy mô sẽ có quyền đặt điều kiện cho những đơn vị sử dụng lại nội dung của họ", Bouckaert nói.

Theo VnE/Theverge
Cùng chuyên mục
Tin khác