Châu Âu vẫn nhập khẩu kỷ lục LNG từ Nga dù tuyên bố ‘cai nghiện hoàn toàn’

Minh Đăng - 12/12/2022 14:21 (GMT+7)

(VNF) - Dù luôn thể hiện quyết tâm “cai nghiện” khí đốt Nga, Đức và một số nước châu Âu vẫn tăng cường nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này. Tổng nguồn cung LNG của Nga sang châu Âu đã đạt mức kỷ lục kể từ đầu năm tới nay, theo Viện Kinh tế thế giới (IfW) có trụ sở tại Đức.

VNF
Châu Âu vẫn nhập khẩu kỷ lục LNG từ Nga dù tuyên bố ‘cai nghiện hoàn toàn’.

Hãng tin ZDF của Đức mới đây cho hay, trong số liệu thống kê nhập khẩu của châu Âu, LNG của Nga được giao cho Bỉ, nhưng trên thực tế, những lô hàng này được chuyển tới Đức dù số lượng tương đối khiêm tốn, chỉ khoảng gần 5 tỷ m3/năm, chiếm từ 5-6% tổng lượng khí đốt tiêu thụ hằng năm ở Đức.

Do Đức chưa có kho cảng LNG riêng nên vẫn đang mua thông qua các nước láng giềng như Pháp, Bỉ và Hà Lan.

Còn theo tờ Handelsblatt, nhập khẩu LNG của châu Âu từ Nga đã đạt mức cao kỷ lục trong năm qua. So với năm 2021, Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã mua thêm 20% lượng LNG từ Nga.

Số liệu của công ty dữ liệu chuyên về năng lượng ICIS cho biết hiện lượng LNG nhập khẩu từ Nga vào châu Âu chiếm 13%, trong đó các nước mua chính là Pháp, Hà Lan và Bỉ.

Theo Handelsblatt, tính từ đầu năm tới tháng 11, lượng LNG mà EU nhập khẩu từ Nga lên tới gần 18 tỷ m3, trong khi lượng khí nhập qua các đường ống là 60 tỷ m3.

Dữ liệu theo dõi tàu và cảng của Bloomberg cho thấy, nhu cầu gia tăng từ các quốc gia như Pháp và Bỉ đã giúp Nga trở thành nhà cung cấp LNG số 2 cho tây bắc châu Âu trong năm nay, xếp sau Mỹ nhưng cao hơn Qatar.

Trước đó, Cao ủy phụ trách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson hồi cuối tháng 11 khẳng định rằng EU đã thay thế hoàn toàn khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng khí LNG và khí đốt từ các nhà cung cấp khác đáng tin cậy

Tranh cãi quanh mức giá trần khí đốt

Dù đã nhiều lần nhóm họp, các bộ trưởng năng lượng của EU cho tới nay vẫn chưa đi đến về mức giá trần áp với khí đốt nhập khẩu.

12 trong số 27 quốc gia thành viên EU gồm Bỉ, Bulgaria, Croatia, Hy Lạp, Italia, Latvia, Litva, Malta, Ba Lan, Romania, Slovenia và Slovakia đã có một văn bản yêu cầu mức trần giá thấp hơn "đáng kể" so với dự thảo cuối cùng mà EU đề xuất.

Theo kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, giá trần có hiệu lực nếu giá khí đốt trong ít nhất hai tuần trên Sàn giao dịch Amsterdam vượt quá 275 euro/MWh (khoảng 3.000 USD/1.000 m3). Chênh lệch với giá khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) phải hơn mức 58 euro trong ít nhất 10 ngày.

Trong khi Đức và Hà Lan đã phản đối khi cho rằng, nó có thể phá vỡ thị trường năng lượng và ngăn cản các nhà sản xuất khí đốt gửi nhiên liệu đến châu Âu thì CH Czech (Séc), nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đề xuất hạ giới hạn giá xuống 220 euro và mức chênh lệch xuống 35 euro.

Theo Bloomberg, nhóm 12 nước trên có đủ phiếu bầu để ngăn thỏa thuận nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng.

Ngày 13/12 tới đây, Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng Năng lượng bất thường của các nước thành viên EU sẽ được tổ chức để tiếp tục thảo luận về mức giá trần khí đốt.

Xem thêm >> Vừa thống nhất giá trần dầu Nga, EU tiếp tục thảo luận về khí đốt

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.