Chính phủ chọn phương án đầu tư 314 ngàn tỷ cho cao tốc Bắc - Nam

Anh Hùng - 26/05/2017 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ đã chốt chọn phương án đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo đó Nhà nước sẽ hỗ trợ 41.414 tỷ đồng để đầu tư 467 km trong tổng chiều dài 1.372 km trên tuyến đường này.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cụ thể, theo thông báo chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ thống nhất phương án 1 theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và ý kiến kiến nghị của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Bộ trưởng Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư. Đây được xem là phương án "tiết kiệm" nhất trong bối cảnh đầu tư công đang khó khăn hiện nay.

Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ phương án đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam. Theo phương án được trình, tổng mức đầu tư để xây dựng 1.372km đường cao tốc Bắc - Nam là 314.100 tỷ đồng.

Bộ GTVT đưa ra ba phương án vốn Nhà nước bỏ ra để thực hiện dự án: Phương án 1: Nhà nước hỗ trợ 41.414 tỷ đồng để đầu tư 467 km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vinh (Nghệ An); Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng); Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai).

Phương án 2: Nhà nước hỗ trợ 63.000 tỷ đồng đầu tư 916 km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình); Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng); Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai).

Phương án 3: Nhà nước hỗ trợ 70.000 tỷ đồng để đầu tư 1.015 km, gồm các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Vạn Ninh (Quảng Bình); Tuy Hòa (Phú Yên) - Dầu Giây (Đồng Nai).

Phương án 1 thực hiện trong điều kiện các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên vừa hoàn thành; tuyến đường bộ ven biển đang tiếp tục đầu tư; tuyến đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và được quy hoạch phát triển thành đường cao tốc trong tương lai, đồng thời đáp ứng tiến độ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV theo phương án đã báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội

Thủ tướng Chính phủ lưu ý, công tác giải phóng mặt bằng cần được đặc biệt quan tâm. Từ thực tiễn thành công tại các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên, cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị tại các địa phương trong tổ chức thực hiện, bảo đảm đồng bộ, hiệu quả và kịp thời. Phải tập trung chỉ đạo việc này.

Công tác phân kỳ đầu tư được tính toán theo từng giai đoạn, phù hợp với lưu lượng phương tiện phát triển trong thực tế, tuy nhiên cần thực hiện cắm mốc lộ giới để quản lý quỹ đất theo quy hoạch; đồng thời, có giải pháp kỹ thuật để bảo đảm việc kết nối tại các nút giao theo quy hoạch.

Thủ tướng cũng yêu cầu triển khai thực hiện dự án phải bảo đảm công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, đặc biệt là việc lựa chọn nhà đầu tư.

Hồi đầu tháng 5/2017, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 217/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo không kiến nghị Quốc hội việc cung cấp bảo lãnh, gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng.

Trước đó, để khắc phục tình trạng thiếu vốn, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã đưa ra phương án kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, trong đó, Bộ này kiến nghị 3 cơ chế đặc thù cho nhà đầu tư nước ngoài chưa có tiền lệ, chưa có quy định pháp luật gồm: bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh cam kết chuyển đổi ngoại tệ (còn gọi là bảo lãnh tỷ giá) và bảo lãnh bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng.

Trong cuộc làm việc giữa Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với ông Ryuji Nishisaki, Giám đốc điều hành, Chủ tịch ngân hàng Sumitomo Mitsui (SMBC) khu vực châu Á-Thái Bình Dương hồi đầu tháng 5/2017, Phó Thủ tướng đã bày tỏ vui mừng khi Việt Nam được SMBC lựa chọn là điểm đến trong đầu tư, hợp tác kinh doanh và gợi ý định chế này có thể tham gia đầu tư vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng. 

Theo lãnh đạo Chính phủ, từ nay tới năm 2020, Việt Nam xây dựng 700 km đường cao tốc Bắc-Nam với nhu cầu vốn rất lớn. SMBC cũng như các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước có thể tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công-tư.

Cùng chuyên mục
Tin khác