Tài chính quốc tế

Chính trị gia 19 nước kêu gọi ‘giải cứu’ rượu Australia sau đòn áp thuế của Trung Quốc

(VNF) - Liên minh liên nghị viện về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China - IPAC), một tổ chức gồm hơn 200 nhà lập pháp từ 19 quốc gia, đã phát động chiến dịch "giải cứu rượu vang Australia" sau đòn áp thuế nặng nề của Trung Quốc.

Chính trị gia 19 nước kêu gọi ‘giải cứu’ rượu Australia sau đòn áp thuế của Trung Quốc

Hạ nghị sĩ Mỹ Ted Yoho kêu gọi uống rượu vang Úc.

Trong một đoạn video ngắn được đăng trên mạng xã hội ngày 1/12, các nghị sĩ của các quốc gia Mỹ, Anh, Đức, Nhật Bản, Italy, New Zealand và Na Uy… đã phát động một chiến dịch khuyến khích mọi người uống rượu vang Australia.

Cụ thể, họ kêu gọi hàng triệu công dân mua một hoặc hai chai rượu vang Australia trước dịp Giáng sinh như một sự ủng hộ dành cho nước này.

Các nghị sĩ cho biết động thái này là một trong những nỗ lực nhằm “chống lại sự bắt nạt của Trung Quốc”.

Cũng có động thái tương tự, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ ngày 1/12 ra tuyên bố rượu vang Australia sẽ được phục vụ trong các tiệc chiêu đãi tại Nhà Trắng.

Cơ quan ngoại giao Đài Loan thì khẳng định sẽ "sát cánh cùng Canberra" bằng việc mua rượu vang của nước này.

Trước đó, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 27/11 thông báo các nhà nhập khẩu rượu vang Australia sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá từ 107,1% đến 212,1% từ ngày 28/11.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, đây là biện pháp tạm thời nhằm đáp trả việc "gây tổn thất đáng kể cho ngành sản xuất rượu vang trong nước".

Động thái này của Trung Quốc đã khiến căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang lên một mức mới. Trung Quốc vốn là thị trường tiêu thụ rượu vang lớn nhất của Australia với doanh số nhập khẩu kỷ lục 1,3 tỷ AUD (900 triệu USD) trong năm 2019.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Australia David Littleproud bác bỏ mọi cáo buộc về việc bán phá giá rượu vang sang thị trường Trung Quốc và khẳng định không có bất kỳ bằng chứng nào cho những cáo buộc này.

Theo ông Littleproud, quyết định mới này của Trung Quốc cho thấy đây không phải vấn đề của ngành nông nghiệp mà là bị tác động từ những vấn đề khác.

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham thì cho rằng quyết định của Trung Quốc cho thấy nước này không tuân thủ Hiệp định Thương mại tự do giữa Australia và Trung Quốc cũng như các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Hiện tại, nhà chức trách Australia đang đề nghị Trung Quốc đưa ra giải thích rõ ràng cho quyết định mới, đồng thời hy vọng nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ tuân thủ các quy tắc của WTO. Australia cũng khẳng định sẽ không ngần ngại đưa vấn đề ra trọng tài độc lập để bảo vệ các doanh nghiệp của mình.

Xem thêm >> Ông Biden khẳng định chưa vội xóa sổ thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Tin mới lên