Tài chính quốc tế

Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng châu Âu không thành kiến với công ty Trung Quốc

(VNF) - Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng các nước châu Âu tạo ra một môi trường công bằng, minh bạch và không thành kiến với các công ty Trung Quốc, theo CCTV.

Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng châu Âu không thành kiến với công ty Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Ngày 5/7, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành hội nghị trực tuyến kéo dài hơn 1 giờ để thảo luận về quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc cũng như các vấn đề toàn cầu cùng quan tâm.

Trong cuộc họp trực tuyến ba bên, ông Tập bày tỏ hy vọng rằng châu Âu có thể đóng một vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế, đạt được độc lập chiến lược và tạo ra một môi trường công bằng, minh bạch và không thành kiến với các công ty Trung Quốc.

Văn phòng của Thủ tướng Đức Merkel sau đó cũng xác nhận rằng ba nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về quan hệ EU-Trung Quốc.

"Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về thương mại quốc tế, bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học", văn phòng của Thủ tướng Đức cho biết thêm trong một tuyên bố.

Theo thông báo từ chính phủ Pháp, ông Macron và bà Merkel đã "bày tỏ quan ngại về vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và nhắc lại những yêu cầu của họ liên quan cuộc chiến chống lao động cưỡng bức".

Căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước phương Tây leo thang sau khi EU, Anh và Canada ngày 22/3 công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào 4 cá nhân và 1 tổ chức tại Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Động thái này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1989 EU ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc với các cáo buộc nhân quyền.

Ngay sau đó, để đáp trả EU, Trung Quốc đã áp cấm vận lên 10 cá nhân và 4 tổ chức tại liên minh này với cáo buộc họ "làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc cũng như truyền bá những thông tin dối trá và nguỵ tạo” liên quan đến vấn đề Tân Cương.

Ông Reinhard Bütikofer, một nghị sĩ của EP, cho rằng “các lệnh trừng phạt của Trung Quốc đã cản trở việc phê duyệt thỏa thuận EU - Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, các nhà lập pháp thuộc EP đều bày tỏ lo ngại về tình trạng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc, họ cho rằng Bắc Kinh nên phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về vấn đề này trước khi thỏa thuận đầu tư được thông qua.

Tới ngày 20/5, Nghị viện châu Âu (EP) đã quyết định hoãn xem xét thỏa thuận đầu tư mới với Trung Quốc. 

Theo nghị quyết mới công bố, EP “yêu cầu Trung Quốc tháo bỏ các lệnh cấm vận trước khi Nghị viện có thể xem xét Hiệp định toàn diện về đầu tư” giữa hai bên. Các nghị sĩ châu Âu cũng cho biết thỏa thuận này chưa chắc được phê chuẩn, ngay cả khi các lệnh trừng phạt được tháo bỏ.

Xem thêm >> ‘Cha đẻ’ Amazon Jeff Bezos chính thức rời cương vị CEO sau 27 năm lãnh đạo

Tin mới lên