Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/5): BID, IMP và TCB

Tân Mai - 13/05/2021 07:24 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 13/5, bao gồm BID, IMP và TCB.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (13/5): BID, IMP và TCB

SSI: Khuyến nghị khả quan BID, giá mục tiêu 1 năm là 48.000 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) vừa nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu BID (Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, BIDV) từ trung lập lên khả quan, do các chỉ số cơ bản đang được cải thiện và chuyển cơ sở định giá đến tháng 6/2022.

SSI cũng nâng giá mục tiêu 12 tháng cho BID lên 48.000 đồng/cổ phiếu (từ 46.430 đồng/cổ phiếu), tương ứng tiềm năng tăng giá là 14%.

Mới đây, ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 87,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 26% kế hoạch cả năm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng tăng 1,8% so với đầu năm, thu từ nợ xấu đã xóa tăng 179% so với cùng kỳ và hệ số CIR cải thiện. Ngân hàng cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng để cải thiện chất lượng tài sản, với tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 1,76% và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu tăng lên mức cao nhất 107,6%.

SSI giữ nguyên ước tính cho năm 2021 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 13.500 tỷ đồng (tăng 49,4% so với cùng kỳ), dựa trên mức tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt là 9,9% và 11,7% so với cùng kỳ. Công ty chứng khoán này cũng ước tính NIM tăng 4 bps trong năm 2021 và tỷ lệ nợ xấu ổn định ở mức ước tính là 1,75%.

Năm 2022, SSI ước tính BID sẽ đạt 15.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 14% so với cùng kỳ), với các giả định chính bao gồm tăng trưởng tín dụng là 9,4%, NIM giảm 6 bps và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cải thiện (95% so với 90% năm 2021 và 89% vào năm 2020).

Yếu tố hỗ trợ tăng đối với khuyến nghị này là việc phát hành tăng vốn thành công trong năm 2021; giảm chi phí dự phòng. Tuy nhiên, SSI cũng đề cập đến rủi ro giảm đối với khuyến nghị, bao gồm nợ xấu cao hơn dự kiến; tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp hơn dự kiến; cổ tức tiền mặt cao hơn dự kiến trong năm 2021 và 2022.

VCSC: Khuyến nghị mua IMP, giá mục tiêu 72.200 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, trong tháng 4/2021, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) ghi nhận doanh thu tăng 62% so với cùng kỳ, đạt 105 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng gấp đôi, đạt 21 tỷ đồng.

VCSC cho rằng các kết quả tích cực này phần nào do hiệu ứng cơ sở thấp trong tháng 4/2020 do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến lưu lượng khách hàng đến nhà thuốc và bệnh viên.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, IMP ghi nhận doanh thu thuần tăng 9% so với cùng kỳ, đạt 401 tỷ đồng; trong khi LNTT tăng mạnh 23%, đạt 76 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu các sản phẩm tự sản xuất tăng mạnh 20% với doanh thu kênh bán nhà thuốc và bệnh viện tăng mạnh lần lượt 14% và 35% so với cùng kỳ năm trước.

Kênh bán nhà thuốc và bệnh viện chiếm lần lượt 63% và 37% doanh thu các sản phẩm tự sản xuất của IMP trong 4 tháng 2021.

IMP cho biết, lợi nhuận ròng giai đoạn này đã được củng cố bởi mức tăng biên lợi nhuận gộp gộp nhờ lợi ích kinh tế về quy mô.

Nhìn chung, theo VCSC, kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm của IMP đã củng cố kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021, khi VCSC dự báo tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 31% và 33%.

Hiện công ty chứng khoán này có khuyến nghị mua dành cho IMP với giá mục tiêu 72.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 1%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,1%, dựa theo giá đóng cửa phiên 12/5.

VCBS: Khuyến nghị mua dành cho TCB

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa đưa ra khuyến nghị mua dành cho Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HoSE: TCB) với giá mục tiêu là 57.739 đồng/cổ phiếu.

VCBS nhận định, TCB đang có một số triển vọng tăng trưởng, bao gồm tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành. Theo đó, với tỷ lệ đòn bảy thấp, TCB có hệ số CAR đạt 15,8%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu yêu cầu theo thông tư 41.

Vì vậy, TCB được cấp room tăng trưởng tín dụng năm 2021 cao nhất ngành ngân hàng và VCBS kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng cao của TCB có thể được duy trì trong tương lai.

Bên cạnh đó, TCB ghi nhận mức giảm lãi suất huy động nhanh hơn trung bình ngành và duy trì tỷ lệ CASA cao. Chi phí vốn giảm mạnh sẽ tiếp tục giúp TCB duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong các quý đầu năm 2021.

Ngân hàng cũng tập trung triển khai các dự án công nghệ cao giúp duy trì hoạt động hiệu quả trong dài hạn. Kết hợp triển khai dịch vụ tài chính với One Mount Group, Vinmart và Vinshop giúp tăng độ phủ và nâng cao trải nghiệm khách hàng của TCB trong dài hạn.

Mặt khác, áp lực trích lập dự phòng thấp khi TCB đã tranh thủ trích lập trong năm 2020. Cụ thể, TCB đang ghi nhận tỷ lệ nợ tái cơ cấu trên danh mục cho vay cuối quý I/2021 ở mức 2,3%, giảm so với mức 3,6% ở thời điểm cuối quý II/2020.

VCBS cho rằng việc một số khách hàng có dư nợ tái cơ cấu không thể hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh và chuyển thành nợ xấu trong năm 2021 là không thể tránh khỏi và ngân hàng sẽ phải thực hiện trích lập xử lý lượng nợ xấu này.

Tuy nhiên với việc thực hiện trích lập dự phòng mạnh mẽ ngay trong năm 2020, áp lực trích lập nợ xấu trong năm 2021 được kỳ vọng ở mức thấp.

Cùng chuyên mục
Tin khác