Tài chính

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/3): QTP, TNG và FCN

(VNF) - MBS nhận định triển vọng năm 2022 của QTP tiếp tục sáng sủa, nhờ sản lượng điện sản xuất tốt hơn trong bối cảnh nhu cầu điện tăng trở lại, các chi phí khấu hao và lãi vay dự báo giảm mạnh, giúp cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/3): QTP, TNG và FCN

Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (22/3): QTP, TNG và FCN

MBS: Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu QTP

Năm 2021, sản lượng điện sản xuất của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng điện sản xuất đạt 7,261 triệu kWh, tăng 14% so với 2020 - là sản lượng tốt trong bối cảnh sản lượng ngành chỉ tăng khoảng 4% trong năm.

Kết quả kinh doanh năm 2021 của QTP đạt mức khả quan với lợi nhuận trước thuế đạt 617 tỷ đồng, vượt 84% kế hoạch đề ra; doanh thu đạt 8.571 tỷ đồng, giảm 7% cùng kỳ, nhưng vẫn vượt 3% kế hoạch. Trong năm, lợi nhuận của QTP vượt xa kế hoạch là nhờ nhờ tiết giảm chi phí khấu hao, chi phí lãi vay, trong điều kiện sản lượng điện tốt hơn.

Dù vậy, do mức nền cao, lợi nhuận vẫn suy giảm 50% cùng kỳ, bởi năm 2020 QTP đã thực hiện hạch toán hồi tố 569 tỷ đồng doanh thu chênh lệch tỉ giá của các năm trước, trong khi năm 2021 chỉ là 115 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá mua điện thành phần cố định trong năm 2021 cũng được điều chỉnh giảm từ EVN.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định triển vọng năm 2022 của nhà máy điện này tiếp tục sáng sủa nhờ sản lượng điện sản xuất gia tăng. Được biết, QTP tiếp tục được EVN giao 7,644 triệu kWh trong năm do nhu cầu điện tăng, nguồn thuỷ điện dự báo bị hạn chế do thời tiết, trong khi một số nhà máy nhiệt điện than trong khu vực gặp sự cố kỹ thuật.

Theo đó, nhu cầu điện có khả năng tăng 9-10% sau khi có mức tăng chậm dưới 4% trong năm 2021. Trong dài hạn đến 2025, nhu cầu tiêu thụ điện vẫn được dự báo ở mức từ 8,6-9,4%/năm, là cơ hội để QTP tiếp tục phát triển ổn định.

Mặt khác, hiệu quả kinh doanh năm 2022 cũng dự báo tích cực hơn khi các chi phí khấu hao và lãi vay giảm mạnh. Sang năm 2023, chi phi khấu hao dự báo tiếp tục giảm thêm khoảng 250 tỷ đồng, trong khi đó chi phí lãi vay giảm xuống mức rất thấp khoảng 50 tỷ đồng do QTP thực hiện trả xong nợ vay dài hạn. MBS dự phóng doanh thu và lợi nhuận của QTP tăng trưởng 13% và 35% so với năm 2021, lần lượt đạt 9.726 tỷ đồng và 833 tỷ đồng.

Hiện MBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể nắm giữ đối với cổ phiếu QTP, giá mục tiêu 12 tháng là 21.100 đồng/cổ phiếu, cao hơn 16,5% thị giá, dựa theo phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền vốn chủ sở hữu và so sánh P/E - P/B.

Yuanta: Khuyến nghị mua TNG với giá mục tiêu 41.412 đồng/cổ phiếu

Năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) ghi nhận doanh thu 5.446 tỷ đồng (tăng 22% so với năm trước) và lợi nhuận trước thuế đạt 427 tỷ đồng (tăng 52%), hoàn thành lần lượt 114% và 161% kế hoạch năm.

TNG cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đạt 847 tỷ đồng (tăng 45% cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận trước thuế đạt 30 tỷ đồng (tăng 64%), biên lãi gộp đạt 12,5%, giảm nhẹ so với cùng kỳ là 12,7%.

Trong báo cáo mới nhất, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (Yuanta) đánh giá triển vọng ngành dệt may Việt Nam trong ngắn và dài hạn khá tích cực. Trước đó quý IV/2021, ngành dệt may đã cho thấy khả năng hồi phục mạnh mẽ sau khi bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong quý III.

Bên cạnh đó, mảng bất động sản sẽ đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh năm 2022-2023 của TNG. Theo đó, TNG đang triển khai các dự án bất động sản ở Thái Nguyên từ năm 2018 và đặt mục tiêu mảng bất động sản sẽ đóng góp 17% doanh thu và 50% lợi nhuận vào năm 2025.

Sau thành công của dự án chung cư TNG Village 1, 2 dự án tiếp theo sẽ mang lại nguồn doanh thu đáng kể gần nhất là cụm công nghiệp Sơn Cẩm (2022) và TNG Village 2 (2023).

Vì thế, trong báo cáo định giá lần đầu cho TNG, Yuanta đưa ra khuyến nghị mua với giá mục tiêu 41.412 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất sinh lời kỳ vọng tăng 23%. Luận điểm của Yuanta bao gồm việc TNG đang hưởng lợi theo triển vọng tích cực ngành dệt may của Việt Nam, với khả năng hồi phục tốt sau đại dịch; các hiệp định FTA như EVFTA, CPTPP; xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Được biết, TNG hiện đang hoạt động hết công suất và tiếp tục đầu tư mở rộng công suất thêm 30% trong 2 năm tới sẽ là động lực tăng trưởng cho TNG.

Cùng với đó, việc các doanh nghiệp dệt may khác đang chịu áp lực từ chi phí sợi vải/vận chuyển tăng cao nhưng TNG đã chuyển đổi cơ cấu đơn hàng/khách hàng kỳ vọng giúp biên lợi nhuận cốt lõi ổn định trong 2022.

PSI: Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FCN

Quý IV/2021, Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) ghi nhận doanh thu 1.275 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm, doanh thu đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế đạt 115 tỷ đồng, giảm 14%.

Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và 66% kế hoạch lợi nhuận 2021.

Trong quý I/2022, FCN liên tiếp trúng các gói thầu mới như các gói thầu tại “siêu dự án” nhà máy Hoà Phát Dung Quất giai đoạn II, gói thầu mới tại dự án Grand Mercure... với tổng giá trị ước đạt 500 tỷ đồng.

Gần đây, về kết quả kinh doanh năm 2022 của FCN, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo doanh thu đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 57,85% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 350 tỷ đồng, biên lợi nhuận ròng là 6,36%.

PSI cho rằng năm 2022, backlog dự án chuyển tiếp từ 2021 của FCN đạt xấp xỉ 2.100 tỷ đồng; Chính phủ sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các dự án dự án cơ sở hạ tầng, trong đó, nguồn vốn đầu tư dành cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng lên tới hơn 113.000 tỷ đồng (chiếm gần 36% tổng số vốn được phê duyệt).

Bên cạnh đó, nguồn công việc vẫn tiếp tục dồi dào khi FCN dự kiến ký tiếp các hợp đồng thi công mới trong năm 2022 với tổng giá trị ước tính 7.200 tỷ đồng; FCN tiếp tục phát triển các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm các dự án điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi và điện mặt trời với tổng công suất khoảng 1.000 MW.

Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động đầu tư của FCN có thể ghi nhận thêm khoảng 230 tỷ đồng trong năm 2022 khi doanh nghiệp có kế hoạch thoái nốt phần vốn còn lại tại dự án Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Hiện FCN còn nắm 40% cổ phần tại dự án.

PSI cũng vừa nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu FCN lên mức tích cực, giá mục tiêu 12 tháng là 35.220 đồng/cổ phiếu, triển vọng tăng giá 25%.

Tin mới lên