Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/4): HPG, DBC và GVR

Tân Mai - 28/04/2021 06:33 (GMT+7)

(VNF) - Các công ty chứng khoán vừa đưa ra khuyến nghị đối với một số cổ phiếu trước phiên giao dịch ngày 28/4, bao gồm HPG, DBC và GVR.

VNF
Cổ phiếu khuyến nghị hôm nay (28/4): HPG, DBC và GVR

PHS: Khuyến nghị nắm giữ HPG, giá hợp lý là 52.900 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần ước đạt 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 18.000 tỷ đồng. Kế hoạch này cao hơn so với dự phóng gần nhất của PHS lần lượt là 6% và 7%.

Kế hoạch cho thấy tham vọng tăng trưởng thị phần miền Nam và xuất khẩu của HPG trong năm nay là rất lớn. Với kỳ vọng lớn, HPG lên phương án chia cổ tức 40% cho năm 2021.

Liên quan đến dự án Dung Quất 2, được biết dự án mở rộng này có tổng công suất là 5,6 triệu tấn, cao hơn so với kế hoạch trước đó với tổng mức đầu tư dự kiến là 85.000 tỷ đồng (cao hơn mức đầu tư 60.000 tỷ đồng công bố trước đó). Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Tại cuộc họp cổ đông thường niên, ban lãnh đạo HPG nhận định có nhiều yếu tố thuận lợi cho mảng kinh doanh container trong năm, bao gồm việc thép dùng cho container phải là thép đặc biệt (thép kháng thời tiết) - hiện tại chỉ có mỗi HPG sản xuất được mặt hàng này trong nước.

Cùng với đó, chi phí sản xuất của HPG có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất container trên thế giới và nhu cầu container trên thế giới đang cao và sẽ còn tăng trưởng. Dù có nhiều hãng tàu có ý định góp vốn vào mảng này nhưng HPG có kế hoạch sẽ tự mình thực hiện.

Một nội dung đáng chú ý khác, đó là kết quả kinh doanh ước tính quý I, bao gồm 31.000 tỷ đồng doanh thu và 7.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 59% và 204% so với cùng kỳ năm 2020.

Với kết quả này, doanh nghiệp đã hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu và 39% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Đặc biệt, trong thời gian tới, ngoài việc tập trung vào sản xuất thép, HPG đặt mục tiêu sẽ phát triển thêm các sản phẩm sau thép, trong đó bất động sản nhà ở là một mảng được ban lãnh đạo đề cập đến.

Sử dụng EV/EBITDA, P/E và DCF, PHS hiện đang duy trì giá hợp lý của cổ phiếu HPG là 52.900 đồng/cổ phiếu, cùng với khuyến nghị nắm giữ cho cổ phiếu.

Tuy nhiên với tình hình tích cực từ kết quả kinh doanh quý I, giá hợp lý của cổ phiếu HPG có thể cao hơn, PHS sẽ cập nhật lại giá của cổ phiếu HPG trong báo cáo cập nhật tiếp theo.

Ở chiều ngược lại, HPG cũng tồn tại một số rủi ro nhất định, như tham vọng trở thành tập đoàn sản xuất thép hàng đầu cần phải đầu tư nhiều vào tài sản cố định. Mặc dù cho HPG chỉ mới đề xuất dự án Dung Quất mở rộng, vốn đầu tư chuẩn bị sẽ tiềm ẩn rủi ro về cơ cấu nợ vay cao.

Mặt khác, giá bán thép trong nước đã có một đà tăng mạnh trong gia đoạn gần đây, điều này giúp cho doanh nghiệp có biên lợi nhuận cao. Tuy nhiên, khi giá thép trở nên ổn định, biên lợi nhuận sẽ bị tác động, có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của thị trường.

SSI: Khuyến nghị khả quan DBC, giá mục tiêu 1 năm là 61.600 đồng/cổ phiếu

Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, ngày 25/4 vừa qua, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) đã tổ chức đại hội cổ đông với một số nội dung đáng chú ý như kế hoạch kinh doanh năm 2021, chính sách cổ tức và thông qua việc tăng tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So mà không cần thủ tục chào mua công khai.

Theo đó, DBC đặt mục tiêu doanh thu thuần là 12.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 827 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và giảm 41% so với thực hiện năm 2020. Mặc dù kế hoạch lợi nhuận sụt giảm mạnh, tuy nhiên doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức 30% cho năm 2021 (20% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu), cao hơn mức 25% của năm trước đó (15% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu).

Quý I vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt 365 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,6% và 4,7% so với cùng kỳ năm 2020; hoàn thành 20% và 44% kế hoạch cả năm.

Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng 13% so với cùng kỳ chủ yếu do doanh thu tăng. Doanh thu từ các mảng khác giảm 52% so với cùng kỳ do doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu từ bất động sản trong quý này.

Theo DBC, người chăn nuôi đã dần mở rộng đàn lợn nái trở lại và việc bán thức ăn chăn nuôi đã được cải thiện trong quý I so với năm trước. Giá lợn hơi bình quân vẫn ở mức tương đối cao trong quý này là 76.000 đồng/kg (giảm 3% so với cùng kỳ).

Tỷ suất lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm nhẹ, từ 29% trong quý I/2020 xuống 26% trong quý I/2021 do chi phí thức ăn chăn nuôi cao hơn. Theo ban lãnh đạo DBC, do các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu thô và chịu chi phí cao hơn, DBC có thể chuyển phần tăng chi phí cho khách hàng để giảm bớt tác động bằng cách nâng giá bán bình quân thức ăn chăn nuôi cao hơn.

Tuy nhiên, chi phí thức ăn cao hơn vẫn ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của giống và chăn nuôi. DBC đang nỗ lực cải thiện năng suất để bù đắp những chi phí cao hơn này.

SSI nhận định, tại mức giá 56.200 đồng/cổ phiếu, DBC đang giao dịch với hệ số P/E 2021 là 6,4 lần và EV/EBITDA là 4,8 lần, thấp hơn P/E bình quân của các doanh nghiệp cùng ngành là 10 lần và EV/EBITDA là 6 lần.

SSI áp dụng hệ số P/E mục tiêu là 7 lần (thấp hơn P/E trung bình lịch sử của DBC là 8 lần do lợi nhuận ròng sụt giảm trong năm 2021) và đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 61.600 đồng/cổ phiếu (tăng 14,5% so với giá hiện tại), tổng mức sinh lời tiềm năng là 18%.

VCSC: Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho GVR

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1 mạnh mẽ với doanh thu tăng 77% so với cùng kỳ, đạt 4.900 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 262%, lên mức 818 tỷ đồng.

Được biết, sự tăng trưởng trong chỉ tiêu doanh thu của GVR chủ yếu đến từ mảng cao su tự nhiên, trong khi lợi nhuận được thúc đẩy bởi biên lợi nhuận gộp tăng 10 điểm phần trăm so với cùng kỳ và chi phí tài chính giảm 69% so với cùng kỳ nhờ hoàn nhập dự phòng đầu tư trong quý I/2021.

VCSC cho rằng kết quả kinh doanh tích cực của GVR từ mảng cao su tự nhiên được hỗ trợ bởi cả tăng trưởng sản lượng bán và giá bán trung bình (ASP). Theo Tổng Cục Hải quan Việt Nam, giá xuất khẩu trung bình của cao su Việt Nam tăng 14% so với cùng kỳ và sản lượng xuất khẩu tăng 79% trong quý I/2021.

Trong khi GVR chưa cung cấp so sánh chi tiết so với cùng kỳ cho mảng cao su tự nhiên của doanh nghiệp, VCSC cho rằng số liệu xuất khẩu cao su của Việt Nam là một tham chiếu phù hợp cho GVR vì tập đoàn này chiếm khoảng 35% tổng giá trị xuất khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam.

Như vậy, kết thúc quý I, GVR đã hoàn thành 21% dự báo doanh thu và 19% dự báo lợi nhuận của VCSC. Công ty chứng khoán này cũng lưu ý rằng kết quả kinh doanh quý I chỉ đóng góp 5-6% vào lợi nhuận cả năm của GVR trong giai đoạn 2019-2020, do quý đầu năm thường là mùa thấp điểm đối với mảng xuất khẩu cao su tự nhiên và chế biến gỗ.

Ngoài ra, dịch Covid-19 tái bùng phát gần đây tại các nước châu Á - đặc biệt ở Thái Lan (quốc gia sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới), có thể tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung mặt hàng này trên toàn cầu, dẫn đến giá cao su tự nhiên tiếp tục ở mức cao.

Hiện VCSC đang có khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu GVR, giá mục tiêu là 28.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời 24,8%, trong đó lợi suất cổ tức là 1,7%.

Cùng chuyên mục
Tin khác