Còn 14 trạm BOT sai vị trí, Bộ Giao thông vận tải xử lý thế nào?

Đinh Tịnh - 07/09/2018 16:00 (GMT+7)

(VNF) - Lãnh đạo Bộ giao thông vận tải (GTVT) thừa nhận, hiện còn 17 trạm BOT bất cập về vị trí thu phí. Nếu muốn di dời các trạm thu phí trên, nhà nước phải bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng, điều này rất khó thực hiện trong bối cảnh nguồn ngân sách gặp nhiều khó khăn.

VNF
BOT Cai Lậy vẫn phải xả trạm vì bị người dân phản đối

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện Bộ đang quản lý 73 trong tổng số 88 trạm BOT giao thông trên cả nước. Trong đó, có 56 trạm đặt trong phạm vi dự án và đảm bảo khoảng cách giữa các trạm phù hợp với quy định. Còn lại 17 trạm có bất cập về vị trí đặt trạm.

Không đi cũng phải trả phí

Bức xúc nhất phải kể đến Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài để thu phí hoàn vốn cho Dự án tuyến tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Trạm phí này được lập từ năm 2009, thu phí tất cả các xe dù không đi vào tuyến tránh Vĩnh Yên. Từ năm 2013 đến nay, Bộ GTVT, UBND Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị di dời trạm thu phí trên nhưng đến nay trạm này vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Một dự án BOT có vị trí bất cập khác là cao tốc La Sơn - Túy Loan. Đây là dự án BOT song lại thu giá hoàn vốn bằng trạm BT. Về vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận sự không hợp lý và đang phối hợp với nhà đầu tư tính toán lại hiệu quả tài chính, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng không lập trạm La Sơn - Túy Loan, nhà nước bố trí nguồn vốn để hỗ trợ nếu cần.

Ngoài ra, trạm BOT Tào Xuyên, thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh Thanh Hoá, dự án này đã đặt sai vị trí nhiều năm tại cửa ngõ Tp. Thanh Hoá. Vì thế, ban đầu trạm thu phí hoàn vốn là 27 năm 8 tháng và tạo thu phí lợi nhuận 3 năm. Tuy nhiên, chỉ sau 7 năm 2 tháng, trạm phí này đã thu lãi khủng, đủ sức hoàn vốn cho dự án. Vì thế, vào tháng 8/2017, Bộ GTVT đã kiên quyết xoá bỏ dự án này.

Cũng tại Báo cáo của Bộ GTVT, hiện còn trạm BOT Nam Hải Vân đang thu phí hoàn vốn cho Dự án hầm Đèo Cả (gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân) và trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân (đang thu phí Dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng). Hai trạm BOT có cự ly đặt trạm quá gần khoảng 10km, đang gây bức xúc dư luận. Vì thế, Bộ GTVT quyết định gộp 2 trạm phí này thu chung để hoàn vốn cho 2 dự án.

Nhiều BOT bức xúc chưa thể di dời

Bên cạnh những trạm BOT “đặt nhầm chỗ” thì không ít trạm thu phí BOT gây bức xúc dư luận chưa thể di dời. Ví dụ như Trạm BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), đây là điểm “nóng” nhất trong số các trạm BOT vấp phải sự phản ứng của người dân.

Hiện Bộ GTVT đã có 5 phương án trình Chính phủ, tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, việc ưu tiên phương án giữ nguyên vị trí trạm, thực hiện giảm giá chung cho tất cả các phương tiện. Như vậy, có thể nhận thấy, điểm nghẽn nhất tại các BOT là không thể di dời, vì nhà nước không đủ ngân sách đề bù cho các nhà đầu tư.

Vấn đề vướng mắc chính hiện nay tại các BOT đó là nếu không thu trên tuyến cũ và tuyến mới thì sẽ không đảm bảo hoàn vốn. Ví dụ như Dự án BOT cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, BOT QL6, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Trong nhóm này, đáng bàn nhất là cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, nhà đầu tư đã kiến nghị trả lại dự án cho Bộ GTVT. Trước những khó khăn đó, Bộ GTVT đang thí điểm cho phép nhà đầu tư thu phí trên tuyến cao tốc trong 3 tháng. Sau đó, Bộ sẽ tính toán các phương án, thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Còn đối với các dự án như BOT QL6, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bộ GTVT tính toán, nếu dỡ bỏ trạm thu phí trên các tuyến QL, Nhà nước sẽ phải bố trí ngân sách để bù phần thiếu hụt lên đến khoảng 21.000 tỷ đồng (riêng QL5 từ Hà Nội đi Hải Phòng mất khoảng 16.000 tỷ đồng). Đây là phương án khó khả thi trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn.

Như vậy, trong tổng số 17 trạm BOT có bất cập về vị trí, Bộ GTVT đã xóa bỏ 1 trạm, tới đây sẽ bỏ tiếp 1 trạm nữa là BOT La Sơn - Túy Loan và gộp 2 trạm BOT Nam Hải Vân với Bắc Hải Vân. Như vậy, sẽ còn 14 trạm BOT chưa thể xử lý, gây bức xúc dư luận.

Cùng chuyên mục
Tin khác