Công ty môi giới chứng khoán tại Trung Quốc ‘vật lộn’ trước áp lực từ chính quyền
Quỳnh Anh -
25/11/2021 16:11 (GMT+7)
(VNF) - Kể từ khi bị chính quyền Trung Quốc để mắt tới, các công ty môi giới chứng khoán tại quốc gia này bắt đầu chứng kiến giá cổ phiếu sụt giảm đáng kể cùng những lo ngại từ phía khách hàng. Futu Holdings, công ty từng bị các nhà cầm quyền “sờ gáy”, hiện đang nỗ lực xoay sở để tồn tại.
Bị chính quyền “sờ gáy”
Trước đó, hồi đầu tháng 11, tờ China Daily đề cập tới Futu Holdings và Up Fintech, cho rằng các công ty môi giới chứng khoán này vi phạm quyền riêng tư của người dùng và đối mặt với rủi ro pháp lý vì giúp nhà đầu tư Trung Quốc chuyển tiền sang tài khoản nước ngoài để đầu tư chứng khoán.
Trung Quốc đã hạn chế các nhà đầu tư trong nước giao dịch cổ phiếu nước ngoài và chỉ cho phép họ tham gia thông qua các nhà đầu tư tổ chức đủ điều kiện trong nước, một chương trình cho phép người đại lục đầu tư gián tiếp vào cổ phiếu Hong Kong và thông qua Stock Connect, liên kết giao dịch giữa Hong Kong và các sàn giao dịch ở Thượng Hải và Thâm Quyến.
Về lý thuyết, người Trung Quốc đại lục có thể mở tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông và chuyển tới 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm. Tuy nhiên, trên thực tế, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát tiền tệ và dòng vốn chảy ra trong vài năm qua, và người dân chỉ có thể chuyển nhiều nhất một lượng ngoại tệ trị giá vài nghìn USD.
Để thu hút nhiều khách hàng bán lẻ hơn, những người bán hàng cho các công ty môi giới trực tuyến tuyên bố họ có thể cung cấp dịch vụ một cửa cho người tại đại lục mở tài khoản ngân hàng ở Hong Kong hoặc chuyển đổi NDT trong nước sang KHD để chuyển trực tiếp vào tài khoản môi giới của họ. Điều này đã cho phép các nền tảng như Futu và Up Fintech phát triển mạnh, đặc biệt là sau khi cổ phiếu trên thế giới tăng lên mức cao kỷ lục vào năm ngoái.
Ông Dong Dengxin, Giám đốc Viện Tài chính và Chứng khoán thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán, cho biết “các quy định trước đây không quá nghiêm ngặt, đó là lý do tại sao các công ty môi giới xuyên biên giới đã tồn tại trong vùng xám trong nhiều năm, nhưng một khi các quy định được tăng cường, hoạt động của họ có thể bị coi là bất hợp pháp".
Ông nói thêm rằng Futu có thể bị buộc phải đóng một số tài khoản người dùng đại lục trên nền tảng để tuân theo quy định của nhà nước.
Bắt đầu “thấm đòn” nhưng sẽ không chịu thua
Từng ghi nhận mức doanh thu kỷ lục, giờ đây, công ty từng được biết đến với cái tên “Robinhood tại Trung Quốc” đang phải cố gắng trấn an các khách hàng của mình rằng họ sẽ không đóng tài khoản và sẽ tập trung vào việc mở rộng sự hiện diện của mình ở Hong Kong và Singapore sau khi bị phía Bắc Kinh gia tăng áp lực, khiến cổ phiếu của họ sụt giảm.
Kể từ khi bị truyền thông trong nước cảnh báo, cổ phiếu của Futu đã giảm mạnh khoảng 35%, và đã giảm hơn 70% kể từ mức đỉnh hồi tháng 2/2021.
Trong hội nghị với các nhà phân tích và nhà đầu tư cá nhân, các giám đốc điều hành cấp cao của Futu thừa nhận rằng tin tức rầm rộ gần đây đã làm dấy lên nỗi lo lắng của các khách hàng hiện tại và tạo ra nhiều thách thức, dù tình hình vẫn “trong tầm kiểm soát”.
Giám đốc tài chính Arthur Chen thừa nhận rằng Futu đã nhận thấy khách hàng ở khu vực Trung Quốc bắt đầu rút tiền mặt về trong bối cảnh lo ngại về các cảnh báo từ phía chính quyền, lo ngại công ty sẽ bị pháp luật xử lý.
“Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, dòng chảy tài sản ròng chỉ chiếm chưa đến 2% tổng tài sản khách hàng của chúng tôi và tình hình chỉ bắt đầu trở lại bình thường từ tuần trước. Cá nhân tôi nghĩ điều tồi tệ nhất đã qua”, ông Chen nói.
Trước những câu hỏi liệu Futu có đóng các tài khoản của khách hàng đại lục, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Futu, ông Leaf Hua Li khẳng định sẽ không đóng tài khoản khách hàng.
Phía Futu cũng cho biết họ sẽ mở rộng hoạt động tại thị trường Hong Kong và Singapore nếu chính quyền gia tăng áp lực, dù phần lớn khách hàng của họ tới từ Trung Quốc đại lục.
Nhưng điều này không có giúp Futu tránh khỏi sự trừng phạt từ phía chính quyền. Bắc Kinh đã thắt chặt các quy tắc chuyển dữ liệu ra nước ngoài từ tháng 10, nhưng các công ty môi giới như Futu lại chuyển thông tin của khách hàng ra nước ngoài để đầu tư, vì vậy, rất có thể họ sẽ phải đối mặt với án phạt cho việc chuyển thông tin cá nhân nhạy cảm ra nước ngoài, theo ông Xia Hailong, một luật sư từ Công ty Luật Shanghai Excellence.
“Futu chắc chắn sẽ phải tuân theo các quy định, có thể ảnh hưởng gián tiếp đến trải nghiệm người dùng. Nhưng kết quả là người dùng có rời khỏi nền tảng hay không phụ thuộc vào việc liệu họ có thể đáp ứng nhu cầu đầu tư ra nước ngoài của mình ở nơi khác hay không ”, ông Xia cho biết.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.