Cuộc chiến chip Mỹ - Trung: Hà Lan bị vạ lây

Bảo Anh - 10/03/2023 18:14 (GMT+7)

(VNF) - Là đất nước sở hữu công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới, Hà Lan vô tình bị kéo vào cuộc chiến công nghệ bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc.

VNF
Hà Lan bị ‘lôi kéo’ vào cuộc chiến chip Mỹ - Trung

Chính phủ Hà Lan đang hạn chế xuất khẩu đối với các thiết bị sản xuất chất bán dẫn độc quyền, dường như bắt nguồn từ những lệnh hạn chế công nghệ của Mỹ với Trung Quốc.

Lý do khiến Hà Lan vô tình bị lôi kéo vào cuộc chiến chất bán dẫn Mỹ - Trung là bởi quốc gia này sở hữu ASML – nhà cung cấp chip hàng đầu thế giới, đóng vai trò như một nút thắt quan trọng trong cuộc đua công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thậm chí, Chính phủ Mỹ từng nỗ lực kêu gọi Hà Lan và Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các loại máy móc, thiết bị sản xuất chip máy tính cho Trung Quốc và thành công đạt được thoả thuận với hai quốc gia này.

Theo một vài nguồn tin, Mỹ đã “rục rịch” đàm phán với Hà Lan yêu cầu ASML ngừng vận chuyển các máy in thạch bản cực tím đến Trung Quốc, các nhà máy ASML cũng đã tạm dừng giao dịch với Bắc Kinh từ năm 2018 đến nay.

Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc sở hữu các thiết bị công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới sẽ gây áp lực đối với an ninh toàn cầu. Do đó, đợt kiểm soát xuất khẩu lần này được tạo ra với mục đích chính là cản trở Bắc Kinh đẩy mạnh ngành công nghiệp chip và ngăn chặn Trung Quốc tăng cường khả năng quân sự.

Anna Rosenberg, người đứng đầu bộ phận địa chính trị tại Amundi Asset Management nêu quan điểm: “Sử dụng lợi thế sẵn có là an ninh khu vực EU hiện nay gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, Nhà Trắng đang từng bước thuyết phục EU đứng về phía các chính sách mà quốc gia này đưa ra đối với Trung Quốc”.

“Với sự phát triển của công nghệ và bối cảnh chính trị hiện nay, để đảm bảo an toàn quốc gia và an ninh quốc tế, Chính phủ đã đi đến kết luận cần phải kiểm soát chặt chẽ xuất khẩu đối với các thiết bị được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn”, bà Liesje Schreinemacher, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hà Lan chia sẻ trong công văn trình Chính phủ vào ngày 8/3.

Mặc dù trong văn bản của Bộ trưởng Bộ Thương mại Hà Lan không hề đề cập đến Trung Quốc, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng công văn được soạn thảo sau khi chịu tác động từ phía Nhà Trắng.

Vào thời điểm Mỹ triển khai các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế Bắc Kinh tiếp cận chip bán dẫn vào năm 2022, các quan chức Mỹ đã nhận ra, nếu xuất khẩu không được đồng thời kiểm soát rộng rãi ở các nước khác, thì nó sẽ mất dần hiệu lực theo thời gian. Đây cũng chính là lý do Mỹ tiếp cận Hà Lan và Nhật Bản để từng bước triển khai kế hoạch của mình.

Sau thông báo từ phía Chính phủ, đại diện ASML đã đưa ra quan điểm: “Sẽ phải mất một thời gian để các biện pháp kiểm soát xuất khẩu này có hiệu lực chính thức và được ban hành như một điều luật. Dựa trên tình hình thị trường hiện tại, chúng tôi cho rằng hạn chế xuất khẩu sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến triển vọng tài chính của công ty”.

“Chúng tôi cũng hiểu được rằng, ASML bị kiểm soát xuất khẩu không phải vì công ty sở hữu công cụ in thạch bản, mà lý do thực chất là vì đến nay, công nghệ sản xuất chất bán dẫn của công ty đang là tân tiến nhất thế giới”, phía ASML cho biết thêm.

Được biết, đứng trước sức ép trong thời gian dài từ phía Nhà Trắng, Trung Quốc đang tìm cách tạo ra công nghệ sản xuất chất bán dẫn của riêng mình. Một vài ý kiến cho rằng, mặc dù vẫn còn kém xa với các nước khác, nhưng nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước của Trung Quốc một ngày nào đó rất có thể sẽ thành công.

Trước hành động hạn chế hợp tác kinh tế, thương mại từ Mỹ, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc thể hiện thái độ phản đối và hy vọng rằng Hà Lan có thể duy trì lập trường khách quan.

ASML Holding là một công ty công nghệ Hà Lan, có trụ sở tại Veldhoven, nơi sản xuất máy móc tân tiến nhất thế giới để tạo ra dòng chip cao cấp nhất được sử dụng trong mọi thiết bị điện tử.

ASML giữ vị trí độc tôn trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, là công ty duy nhất có thể làm chủ công nghệ in litho siêu cực tím EUV thế hệ mới. Kỹ thuật in EUV cho phép in được các bóng bán dẫn với kích thước nhỏ gấp 10 lần tiêu chuẩn hiện tại.

Hiện nay, ASML kiểm soát hơn 90% thị trường toàn cầu trị giá 17,1 tỷ USD cho thiết bị in chip của mình, tính đến năm 2021. Một cỗ máy in có kích thước tương đương một chiếc xe buýt với mức giá khoảng 170 triệu USD. ASML là công ty duy nhất trên thế giới có thể sản xuất loại máy này. Những con chip được tạo ra dưới cỗ máy của ASML không chỉ nhanh, mạnh mà còn vô cùng nhỏ gọn.

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác