Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng vụ đấu giá đất 600 tỷ

Xuân Tiên - 04/11/2018 16:05 (GMT+7)

Đà Nẵng vừa có báo cáo dài 6 trang gửi Thủ tướng theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ trước đó, về vụ việc đấu giá lô đất hơn 1,1ha tại quận Sơn Trà.

VNF
Lô đất A20 - tâm điểm của vụ việc

UBND TP. Đà Nẵng ngày 1/11 có công văn số 8444 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Vipico. Trước đó, Thủ tướng ngày 9/10 thông qua Văn phòng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng báo cáo vụ việc trước ngày 31/11/2018.

Trong công văn, Đà Nẵng thuật lại tiến trình vụ việc. Cụ thể, ngày 27/6/2017, Công ty Cổ phần Vipico trúng đấu giá lô đất A20 (11.487 m2) trên mặt đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà với giá trúng 56,8 triệu đồng/m2 (giá khởi điểm 36 triệu đồng/m2).

Một tháng sau, ngày 28/7/2017, UBND TP. Đà Nẵng có quyết định công nhận kết quả đấu giá.

Trên cơ sở đó, trong các ngày 21/9 và 12/10/2017, Cục Thuế Đà Nẵng có hai thông báo về nghĩa vụ tài chính đối với Công ty Vipico. Tổng số tiền phải nộp cho lô đất trên là 652.461.600.000 đồng và 500.000.000 đồng tiền lệ phí trước bạ, được chia làm hai đợt, mỗi đợt 50%.

Hạn nộp đợt đầu là ngày 20/10/2017, đợt sau là 19/12/2017. Quá thời hạn trên thì huỷ kết quả đấu giá và thu hồi tiền cọc nộp Ngân sách Thành phố theo Quyết định 01/2015 (về đấu giá đất) ngày 15/1/2015 của UBND TP. Đà Nẵng.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh quy định huỷ đấu giá nếu không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng hạn đã được nêu rõ trong phương án đấu giá và hợp đồng đấu giá. Bản thân người đại diện của Công ty Vipico khi tham gia phiên đấu giá cũng đã ký vào cam kết có nội dung này.

Phía Công ty Vipico đã nộp 50% đợt đầu đúng hạn, tuy nhiên nộp đợt hai chậm 52 ngày so với thông báo của Cục Thuế. UBND TP. Đà Nẵng cho biết Vipico trước đó đã có công văn xin gia hạn nộp tiền đợt sau thêm 90 ngày, tuy nhiên không được Cục Thuế Đà Nẵng chấp thuận.

Bên cạnh đó, UBND TP. Đà Nẵng dẫn thêm kết luận của Kiểm toán Nhà nước Khu vực III với nội dung trường hợp lô đất A20 phải huỷ đấu giá và thu hồi tiền cọc nộp ngân sách, cũng căn cứ dựa theo Quyết định 01/2015 ngày 15/1/2015 của UBND TP. Đà Nẵng.

Quan điểm của UBND TP. Đà Nẵng là thu hồi kết quả đấu giá lô đất. Ngoài Vipico, Đà Nẵng còn báo cáo Thủ tướng về 7 trường hợp thu hồi khác.

"Đà Nẵng báo cáo không đầy đủ"

Trong một phản hồi mới đây, Công ty Vipico khẳng định UBND TP. Đà Nẵng đã báo cáo không đầy đủ, thiếu khách quan với Thủ tướng. Theo doanh nghiệp này, vụ việc đã được nhiều Bộ ngành cấp trung ương cho tới cơ quan chuyên môn địa phương nêu quan điểm không huỷ đấu giá, cho phép doanh nghiệp nộp tiền chậm nộp.

Chi tiết hơn, Vipico cho biết Công ty đã gửi văn bản đến Cục thuế TP Đà Nẵng xin gia hạn nộp tiền đợt hai. UBND TP. Đà Nẵng cũng đã đề cập nội dung này trong văn bản xin ý kiến Bộ Tài chính. Phản hồi Đà Nẵng, Bộ Tài chính khẳng định việc đơn vị trúng đấu giá chậm nộp tiền sử dụng đất thì có nghĩa vụ nộp tiền chậm nộp. Có nghĩa rằng Bộ Tài chính đã không đồng ý với việc hủy kết quả bán đấu giá.

Đây cũng là quan điểm của Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng. Cơ quan này cho rằng người trúng đấu giá có trách nhiệm nộp tiền đấu giá theo thông báo của Cục Thuế. Nếu chậm nộp thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Việc hủy kết quả bán đấu giá của Công ty Vipico là không phù hợp với quy định của Luật đấu giá tài sản.

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng nêu ý kiến, thời điểm ban hành quyết định công nhận kết quả bán đấu giá thì các quy định của UBND TP Đà Nẵng ban hành quy chế bán đấu giá (là Quyết định 01/2015 mà UBND TP, Kiểm toán Nhà nước viện dẫn) đã hết hiệu lực. Do vậy việc hủy kết quả trúng đấu giá của Công ty Vipico là không có căn cứ thực hiện.

Với các dẫn chứng trên, Vipico khẳng định lô đất A20 khác với các 7 trường hợp còn lại và không có cơ sở pháp lý để hủy kết quả đấu giá. Tuy nhiên, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Đà Nẵng lại lấy các trường hợp “không giống nhau” này để củng cố cho quan điểm hủy kết quả trúng đấu giá của Công ty cổ phần Vipico.

Công ty Vipico băn khoăn vì sao trong báo cáo gửi Thủ tướng, TP. Đà Nẵng lại liên tục viện dẫn một văn bản áp dụng pháp luật đã hết hiệu lực (Quyết định 01/2015 hết hiệu lực ngày 1/7/2017, trước thời điểm UBND TP. Đà Nẵng chấp thuận kết quả đấu giá - 28/7/2017), mà không đề cập đến ý kiến tham mưu của các cơ quan chuyên ngành từ trung ương đến địa phương.

Xem thêm >> Làm sao để 'nắn' dòng FDI vào các dự án giao thông?

Theo Nhà đầu tư
Cùng chuyên mục
Tin khác