Dài hạn là gì? Ngắn hạn là gì?

Minh Anh - 27/06/2018 23:45 (GMT+7)

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Dài hạn (long term) và Ngắn hạn (short term) là gì?

VNF
Dài hạn (long term) và Ngắn hạn (short term) là hai khái niệm thường gặp trong kinh tế học.

Trong kinh tế học có hai khái niệm về kỳ hạn là dài hạn và ngắn hạn. Để hiểu rõ hơn hai khái niệm này, ta có thể phân biệt như sau

Dài hạn là gì?

Trong lý thuyết về cung, thời kỳ dài hạn (long term/ long run) là thời kỳ đủ dài để tất cả các đầu vào nhân tố đều có thể thay đổi, nhưng công nghệ nhìn chung không thay đổi. Theo quy ước này, quy mô nhà máy của một doanh nghiệp bị cố định trong ngắn hạn, nhưng có thể thay đổi để đem lại quy mô hoạt động lớn hơn trong dài hạn. Trong thời hạn rất dài, công nghệ cũng thay đổi do sự xuất hiện của các quy trình sản xuất mới.

Ngắn hạn là gì?

Ngắn hạn (Short run) là khoảng thời gian trừu tượng trong lý thuyết về cung. Nó là khoảng thời gian trong đó một số đầu vào về nhân tố không thay đổi (đầu vào nhân tố cố định, chẳng hạn như quy mô nhà máy) và doanh nghiệp chỉ có thể thay đổi sản lượng bằng cách điều chỉnh lượng đầu vào của các nhân tố biến đổi, chẳng hạn lao động hay nguyên liệu.

Trong thực tế, khoảng thời gian được coi là ngắn hạn ở các ngành không giống nhau. Chẳng hạn trong ngành hóa dầu, người ta cần tới 5 năm hoặc dài hơn để chuẩn bị, thi công và vận hành thử nhà máy mới. Vì vậy, trong ngành này, kỳ ngắn hạn có thể kéo dài tới 5 năm, vì trong thời gian này, ngành hóa dầu chỉ có thể tăng sản lượng bằng cách tăng cường độ sử dụng trang thiết bị hiện có. Ngược lại, trong ngành may mặc, người ta có thể mua và lắp đặt máy may mới trong vài tuần. Bởi vậy, trong ngành này, ngắn hạn có thể chỉ là một tháng hoặc thậm chí ngắn hơn.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Cùng chuyên mục
Tin khác