Để thu hút và sử dụng hiệu quả vốn FDI trong lĩnh vực ngân hàng
Bình An -
04/10/2018 09:09 (GMT+7)
Theo Ngân hàng Nhà nước, với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành ngân hàng đã có những đóng góp tích cực vào những thành công trong chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài nói chung và quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài nói riêng.
Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng
Từ năm 1990, sau khi Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và Pháp lệnh ngân hàng hợp tác xã tín dụng, công ty tài chính ra đời, các tổ chức tín dụng nước ngoài bắt đầu mở rộng hiện diện thương mại tại Việt Nam dưới các hình thức chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNNg), ngân hàng liên doanh.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn các tổ chức tín dụng nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (có hiệu lực từ năm 2002) và gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), số lượng các tổ chức tín dụng nước ngoài hiện diện tại Việt Nam có xu hướng gia tăng.
Theo số liệu thống kê, tính đến thời điểm 30/6/2017 đã có trên 23 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự hiện diện hoạt động tài chính, ngân hàng tại Việt Nam. Hiện tại, khối các tổ chức tín dụng nước ngoài có 8 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 53 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 2 ngân hàng liên doanh, 6 công ty tài chính tiêu dùng và 3 công ty cho thuê tài chính.
Các tổ chức tín dụng nước ngoài còn tham gia mua cổ phần tại 07 ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (chiếm 4,68% vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng).
Các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động chủ yếu tại các thành phố lớn, khu công nghiệp. Riêng các CNNHNNg tập trung chủ yếu ở 02 địa bàn thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Về đối tượng khách hàng, khối tổ chức tín dụng nước ngoài, đặc biệt là các CNNHNNg chủ yếu phục vụ các đối tượng khách hàng truyền thống của ngân hàng mẹ (các doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam), một số doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lớn tại Việt Nam.
Ngoài ra, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài thời gian gần đây cũng đang có xu hướng mở rộng, phát triển hoạt động ngân hàng bán lẻ và cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhắn đến đối tượng là khách hàng Việt Nam.
Việc các tổ chức tín dụng nước ngoài tăng cường hoạt động và hiện diện tại Việt Nam cho thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, đem lại cho Việt Nam một lượng vốn cần thiết, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động.
Tổ chức tín dụng nước ngoài đã đóng góp lớn cho nền kinh tế
Sự xuất hiện thêm các hiện diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng trong nước, đa dạng hóa hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam và cung ứng đa dạng dịch vụ tài chính ngân hàng phục vụ cho phát triển kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất là các tổ chức tín dụng nước ngoài đã góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Các tổ chức tín dụng nước ngoài (đặc biệt là nhóm CNNHNNg) đã có bước phát triển đáng kể về số lượng, được thực hiện các hoạt động cơ bản như một ngân hàng thương mại tại Việt Nam theo các cam kết gia nhập WTO nhưng thị phần và hoạt động của khối này trong những năm qua luôn duy trì ở mức thấp.
Các tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua không tạo nhiều áp lực canh tranh với các tổ chức tín dụng trong nước, do khách hàng của các tổ chức tín dụng nước ngoài chủ yếu tập trung vào các tổ chức kinh tế FDI, nhưng lại có tác dụng như một kênh truyền dẫn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiệu quả.
Thực tế cho thấy hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài chính là cơ sở để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thông qua việc giới thiệu, quảng bá, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, kinh doanh, tại Việt Nam…
Thứ hai là các tổ chức tín dụng nước ngoài đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các tổ chức tín dụng nước ngoài đã tập trung phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ gắn với yếu tố công nghệ và tận dụng mạng lưới toàn cầu của ngân hàng mẹ, đặc biệt là kênh giao dịch điện tử. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm phát sinh về ngoại hối, lãi suất, tỷ giá, tiền tệ và tài sản tài chính khác, các dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, quản lý tài sản, bảo lãnh...
Trong bối cảnh hệ thống các tổ chức tín dụng trong nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, yếu kém, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng còn tương đối hạn chế, trong những năm qua khối các tổ chức tín dụng nước ngoài luôn được xem là khối tiên phong trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, đưa các sản phẩm, dịch vụ mới tới thị trường Việt Nam, qua đó góp phần vào quá trình hiện đại hóa công nghệ ngân hàng của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam, hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong nước trong việc tiếp cận với các quy trình, sản phẩm, công nghệ mới và đem lại nhiều lợi ích cũng như nhiều lựa chọn hơn về dịch vụ tài chính, ngân hàng cho các khách hàng tại Việt Nam.
Thứ ba, các tổ chức tín dụng nước ngoài đã góp phần tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng minh bạch cho hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. Riêng với khối chi nhánh ngân hàng nước ngoài, do hoạt động mang tính chất đặc thù (chủ yếu thực hiện hoạt động bán buôn, chỉ được hoạt động trên cơ sở vốn được cấp tại Việt Nam...) nên mức độ cạnh tranh với các tổ chức tín dụng trong nước còn ở mức thấp.
Sự hiện diện của các tổ chức tín dụng nước ngoài trong những năm qua đã và đang góp phần tạo nên sự đa dạng các loại hình tổ chức tín dụng trên thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam, làm gia tăng yếu tố canh tranh, tạo sức ép buộc các ngân hàng trong nước phải đổi mới, nâng cao và tự chủ về công nghệ, tăng cường năng lực quản trị ngân hàng và chất lượng nguồn nhân lực.
Qua đó, sức ép cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước từng bước được tạo ra, giúp tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch hơn. Kinh nghiệm quốc tế và các báo cáo đánh giá cho thấy những nền kinh tế có hệ thống ngân hàng hoạt động cạnh tranh, cởi mở trên cơ sở thông tin công khai, minh bạch thì hệ thống tài chính - ngân hàng đó phát triển bền vững, an toàn hơn và có nhiều khả năng ứng phó linh hoạt với các cú sốc, các nguy cơ gây khủng hoảng.
Thứ tư, về quản trị, điều hành, với vị thế là các tổ chức tài chính lớn trên thế giới, có nhiều kinh nghiệm về quản trị, điều hành, các nhà đầu tư nước ngoài đã tích cực hỗ trợ, tư vấn cho tổ chức tín dụng Việt Nam trong quá trình phát triển, tái cấu trúc, hoàn thiện bộ máy tổ chức, hiện đại hóa hệ thống quản trị ngân hàng. Nhờ vậy, cơ cấu tổ chức, quản trị hiện nay của tổ chức tín dụng Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài đã có nhiều thay đổi tích cực, tiếp cận các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về quản trị ngân hàng, đặc biệt là công tác quản lý rủi ro.
Giải pháp về thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng
Để tăng cường thu hút, đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và củng cố nội lực của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị như sau:
Thứ nhất là việc cấp phép thành lập mới các tổ chức tín dụng nước ngoài trong thời gian tới tiếp tục được thực hiện chặt chẽ, thận trọng, nâng cao các tiêu chuẩn cấp phép thành lập các tổ chức tín dụng nước ngoài ở Việt Nam trên cơ sở các nguyên tắc và các tiêu chí hợp lý, gắn với công cuộc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016 - 2020, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước từ nay đến năm 2020.
Thứ hai là cần hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến tổ chức, hoạt động, quản trị rủi ro phù hợp với thực tiễn hoạt động và thông lệ quốc tế về thanh tra, giám sát ngân hàng để làm nền tảng cho hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng nước ngoài; nâng cao tính minh bạch thông tin, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và các cam kết Việt Nam gia nhập (WTO...).
Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường vai trò và kết hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc giám sát đồng bộ 3 lĩnh vực ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán nhằm đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng như ngăn chặn việc thâu tóm, nắm giữ, chi phối các tổ chức tín dụng trong nước của các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ Công an, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan khác phối họp cùng Ngân hàng Nhà nước quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam trong các giao dịch quốc tế, cung cấp dịch vụ ngân hàng mới tại Việt Nam cũng như hoạt động mua cố phần của nhà dầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng trong nước để tránh sự thao túng của các tổ chức tín dụng nước ngoài, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức tín dụng trong nước; phát hiện, ngăn ngừa các dấu hiệu vi phạm pháp luật như trốn thuế, rửa tiền, chuyển giá để trục lợi, chuyển tiền trái phép... đảm bảo an toàn hệ thống.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, phù hợp với các cam kết quốc tế đã ký kết nhằm tạo nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị của nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo tinh thần Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống cáç tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.