'Doanh nghiệp BĐS cần cơ cấu lại sản phẩm, tránh nguồn lực 1 nhưng làm 5-7 dự án'

Lệ Chi - 09/02/2023 15:38 (GMT+7)

(VNF) - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, rà soát lại các dự án bất động sản đảm bảo phù hợp với nguồn lực, khả năng thực thi; tránh tình trạng nguồn lực chỉ có 1 nhưng thực hiện đến 5-7 dự án, vượt quá khả năng và dẫn đến tình trạng khó khăn, phải bán bớt dự án.

VNF
'Doanh nghiệp BĐS cần cơ cấu lại sản phẩm, tránh nguồn lực 1 nhưng làm 5-7 dự án'

Doanh nghiệp BĐS cần cơ cấu lại sản phẩm, rà soát lại các dự án

Tại hội nghị tín dụng bất động sản diễn ra gần đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết trong 3 năm qua, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản đều tăng, chưa có dấu hiệu giảm. Cụ thể, năm 2020 là 653 nghìn tỷ đồng, 2021 là 728 nghìn tỷ đồng, năm 2022 là 800 nghìn tỷ đồng.

Theo Thứ trưởng, những tháng cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đề xuất với Chính phủ có chính sách nới room tín dụng trong khi room vẫn còn. Dù vậy, trong quý IV/2022, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có nguyên nhân liên quan đến thể chế, pháp lý.

Để tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho rằng trước hết doanh nghiệp cần nghiên cứu các quy định, điều kiện, tiêu chí cho vay, có tài sản đảm bảo, dự án đủ pháp lý. “Có như vậy, ngân hàng mới yên tâm giải ngân cho vay”, ông nói.

Hơn nữa, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cũng đề nghị doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, rà soát lại các dự án bất động sản đảm bảo phù hợp với nguồn lực, khả năng thực thi. “Tránh tình trạng nguồn lực chỉ có 1 nhưng thực hiện đến 5-7 dự án, vượt quá khả năng và dẫn đến tình trạng khó khăn, phải bán bớt dự án”, vị thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề xuất NHNN có chỉ đạo ngân hàng thương mại tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản vay vốn, đặc biệt cho vay các dự án triển khai dở dang chiếm số lượng lớn hiện nay.

Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị NHNN tìm cách tháo gỡ theo hướng cơ cấu lại các khoản nợ xấu, giãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản hoạt động. Thời gian tới, NHNN ưu tiên tập trung cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ.

Thứ trưởng cũng cho biết hiện Bộ Xây dựng đang chủ trì sửa 2 dự án luật nhà ở và kinh doanh bất động sản, sẽ có nhiều chính sách để khắc phục những vướng mắc, có nhiều vướng mắc hiện đang đề xuất trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn kịp thời, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh trong thời gian tới.

Kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với bất động sản cao cấp

Thông tin tại hội nghị với các doanh nghiệp bất động sản hôm 8/2, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú tái khẳng định NHNN chưa có văn bản, phát ngôn nào về việc siết chặt tín dụng bất động sản.

“Đó là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với một số phân khúc rủi ro như tỷ lệ đầu cơ lớn để đảm bảo an toàn hệ thống. Tín dụng phục vụ mục đích chính đáng của người mua nhà đều được đảm bảo công bằng như các lĩnh vực khác. Đến nay, NHNN nhất quán quan điểm chỉ đạo như vậy”, Phó Thống đốc cho hay.

Trên cơ sở kết quả đạt được của tín dụng năm 2022, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 vào khoảng 14-15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.

Theo Phó Thống đốc, bất động sản là một trong những thị trường có quan hệ liên thông trực tiếp với thị trường tiền tệ, tín dụng... Thời gian qua thị trường bất động sản xuất hiện một số hiện tượng như mất cân đối cung cầu, dư thừa nguồn cung phân khúc cao cấp và thiếu hụt căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội; tình trạng sốt đất cục bộ diễn ra kể từ đầu năm 2021, sau đó thanh khoản giảm mạnh, đặc biệt là phân khúc đất nền.

Bên cạnh đó, các vụ việc xảy ra trong hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp khiến nhà đầu tư mất niềm tin, qua đó gây khó khăn trong việc huy động vốn của doanh nghiệp.

Thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết NHNN sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, các hoạt động kinh doanh có tính đầu cơ, làm giá, lũng đoạn thị trường.... đồng thời, NHNN phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững, đảm bảo kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

"Đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với 2021 là một trong những lĩnh vực tăng trưởng cao nhất, chiếm tỷ trọng 21,2% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (cao nhất trong 05 năm qua), tỷ lệ nợ xấu là 1,81%"

Ngân hàng Nhà nước

Cùng chuyên mục
Tin khác