Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Ngày 24/10, ông Rishi Sunak, 42 tuổi, đã được xác nhận sẽ trở thành Thủ tướng Anh thay thế bà Liz Truss, người đã từ chức chỉ sau 45 ngày tại vị.
Trong bài phát biểu đầu tiên trong cương vị mới, ông bày tỏ lòng biết ơn đối với bà Liz Truss vì sự lãnh đạo của bà “trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” với nước Anh. Tân Thủ tướng cũng cho rằng việc trở thành lãnh đạo mới của Anh Quốc là “đặc ân lớn nhất” cuộc đời ông, hứa hẹn sẽ phục vụ người dân bằng sự chính trực và khiêm tốn.
Ông Rishi Sunak thừa nhận Vương quốc Anh đang phải đối mặt với “thách thức kinh tế toàn diện” và cần có sự ổn định, thống nhất về mặt chính trị.
“Ưu tiên hàng đầu của tôi là gắn kết đảng và đất nước lại với nhau, vì đó là cách duy nhất để chúng ta vượt qua những thách thức mà chúng ta phải đối mặt và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, thịnh vượng hơn cho con cháu chúng ta”, vị tân thủ tướng tuyên bố.
Nước Anh đang phải đối mặt với sự kết hợp “độc hại” về mặt kinh tế giữa suy thoái kinh tế và lãi suất tăng. Ngân hàng Trung ương Anh đang cố gắng kiềm chế lạm phát hai con số trong khi người tiêu dùng phải đối mặt với chi phí tăng và thu nhập thực tế giảm.
Không chỉ vậy, sau chính sách kinh tế “ngắn hạn” bao gồm các kế hoạch cắt giảm thuế của chính phủ bà Truss khiến thị trường tài chính “chao đảo” và buộc Ngân hàng Trung ương (BoE) phải can thiệp, uy tín tài chính quốc tế của Anh cũng đã giảm mạnh.
Một báo cáo của chính phủ Anh công bố cuối tuần trước cho thấy doanh số bán lẻ đã giảm 1,4% trong tháng 9, và niềm tin của người tiêu dùng đang ở gần mức tồi tệ nhất được ghi nhận khi lạm phát quay trở lại mức cao nhất trong 40 năm (đạt mức 10,1% trong tháng 9).
Bức tranh về tình hình tài chính của Vương quốc Anh cũng trở nên tối tăm với việc chính phủ đã vay ròng 20 tỷ bảng Anh (22 tỷ USD) trong tháng 9, nhiều hơn 5,2 tỷ bảng Anh (5,7 tỷ USD) so với dự kiến của cơ quan giám sát tài chính của nước này.
Với các chỉ số kinh tế tồi tệ, Ngân hàng Trung ương Anh đã dự báo rằng nền kinh tế thứ 6 thế giới sẽ sớm suy thoái. Đồng thời, nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng hạ cấp Vương quốc Anh trên danh sách tín nhiệm quốc gia. Đồng bảng không ổn định, thị trường chứng khoán dễ biến động, niềm tin nhà đầu tư không còn.
Để cân bằng tình trạng thiếu hụt ngân sách, vị tân Thủ tướng có lẽ sẽ phải giám sát việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế. Một báo cáo tài chính giải quyết vấn đề này dự kiến sẽ được công bố vào ngày 31/10 bởi tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt, người mới được bà Liz Truss bổ nhiệm hơn 1 tuần.
Tuy nhiên, hiện cũng không rõ ông Rishi Sunak có giữ lại ông Hunt trong chính quyền không, hay sẽ sử dụng một “quân cờ mới”.
Một trong những thách thức đầu tiên và cũng quan trọng hàng đầu của ông Sunak là chứng tỏ ông có thể kiểm soát một Đảng Bảo thủ chiếm đa số trong quốc hội nhưng lại có những phe phái khác nhau về các vấn đề chính như Brexit, nhập cư cũng như quản lý kinh tế.
Việc áp thuế cao hơn sẽ bị một số người trong đảng phản đối mạnh mẽ, trong khi sẽ có những người khác phản đối việc cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực chính như y tế và quốc phòng.
Chiến thắng trong cuộc bầu cử lãnh đạo chỉ là bước đầu tiên trong việc thống nhất một đảng đã lật đổ tới 2 nhà lãnh đạo mới nhất vì những khác biệt nội bộ và dành nhiều năm tranh cãi về quyết định rời khỏi khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Ông cũng sẽ phải đối mặt với những lời kêu gọi thực hiện theo lời hứa của chính phủ sẽ kiểm soát nhập cư vào đất nước, một vấn đề mà nhiều nhà lập pháp Bảo thủ coi là quan trọng để giành chiến thắng trước cử tri trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Không chỉ đối mặt với các vấn đề nội bộ, đảng Bảo thủ của ông Sunak cũng đang tụt lại phía sau trong việc giành được niềm tin của người dân Anh, sau những kết quả kinh tế không mấy khả quan mà người tiền nhiệm của ông để lại.
Sau khi nhậm chức, nhiệm vụ quan trọng của ông Sunak là giải quyết hai cuộc khủng hoảng về kinh tế và chính trị có liên quan trực tiếp với nhau. Tuy nhiên, nếu không khôi phục sự ổn định chính trị, tân Thủ tướng khó mà giải quyết các vấn đề kinh tế.
Mặc dù sự xuất hiện của ông Sunak cũng phần nào trấn an được các nhà đầu tư về việc nước Anh đã có một người lãnh đạo có tầm nhìn kinh tế, nhưng nếu không thể giải quyết các mâu thuẫn chính trị, bất kỳ biện pháp kinh tế nào được đưa ra bởi chính phủ của ông cũng có thể bị phản đối.
Như vậy, một vấn đề quan trọng ông Sunak sẽ phải giải quyết là thiết lập sự cân bằng giữa tăng thuế và cắt giảm chi tiêu, xoa dịu được cả 2 phe trong Đảng. Sau đó, chương trình kinh tế sắp tới của ông cũng phải cho thấy hiệu quả trên thị trường để xoa dịu chỉ trích từ công chúng và các đảng đối lập.
“Sự bất ổn chính trị và kinh tế trong vài tháng qua đã gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin kinh doanh của người Anh và bây giờ phải chấm dứt. Thủ tướng mới phải là người vững vàng trong việc điều khiển nền kinh tế vượt qua những điều kiện thách thức phía trước ", Giám đốc Phòng Thương mại Anh Shevaun Haviland nói.
“Chúng tôi không thể chấp nhận bất kỳ sự thay đổi chính sách nào nữa, các doanh nghiệp của Vương quốc Anh cần một kế hoạch kinh tế lâu dài, bền vững mà họ có thể tin tưởng”, ông Haviland nói thêm.
Trong chiến dịch tranh cử hồi tháng 9 với bà Truss, ông Rishi Sunak đã đưa ra những chủ trương, đường lối kinh tế mà ông sẽ áp dụng khi trở thành Thủ tướng. Mặc dù tình hình hiện tại của Anh đã trở nên tệ hơn so với thời kỳ cuộc bầu cử tháng 9 diễn ra, nhưng rất có thể tân Thủ tướng sẽ giữ lại phần nào các chính sách của mình.
Về kinh tế, trong chiến dịch tranh cử, ông Sunak đã chỉ trích chương trình cắt giảm thuế của bà Truss, thay vào đó ông sẽ chỉ cắt giảm thuế khi lạm phát đã được kiểm soát. Vào thời điểm đó, ông đã vạch ra kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập từ 20% xuống 16% vào năm 2029.
Ông Sunak cũng ủng hộ sự độc lập của Ngân hàng Trung ương Anh và nhấn mạnh tầm quan trọng của chính sách của chính phủ làm việc cùng với ngân hàng trung ương để kiềm chế lạm phát.
Trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo trước đó, Sunak cho biết sẽ tạm thời bỏ thuế VAT 5% đối với hóa đơn năng lượng trong nước và chi mạnh tay để hỗ trợ những người đang gặp khó khăn nhất với chi phí sinh hoạt tăng cao.
Charlotte Sallabank, đối tác của công ty luật Katten UK, cho biết nhiều khả năng ông Rishi sẽ giữ ông Jeremy Hunt lại vị trí Bộ trưởng Tài chính vì muốn giữ sự ổn định trên thị trường.
Nhà kinh tế học người Anh Ruth Gregory cho biết ông Hunt và Thủ tướng Sunak sẽ cần đưa ra một loạt chính sách mới có thể đạt được để lấp đầy khoảng lỗ ước tính 34 tỷ bảng trong tài chính công.
Về chính trị đối ngoại, trong thời kỳ tranh cử, ông Sunak cho biết sẽ thúc đẩy luật cho thoả thuận Brexit có nhiều lợi ích cho Anh, hứa sẽ "giữ Brexit an toàn" và thành lập một đơn vị chính phủ mới để xem xét các quy định của EU vẫn được áp dụng trong luật của Anh.
Với kế hoạch kiểm soát người nhập cư, ông Sunak cũng từng cho biết ông tự hào xuất thân từ một gia đình nhập cư nhưng ông tin rằng Anh phải kiểm soát biên giới và sẽ giữ lại kế hoạch trục xuất những người xin tị nạn đến Rwanda.
Ông cũng từ chối loại trừ việc Anh rút khỏi Tòa án Nhân quyền Châu Âu.
Xem thêm >> Thủ tướng da màu đầu tiên của Anh: Cựu Bộ trưởng Tài chính, siêu giàu xứ sương mù
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.