Đơn hàng dồi dào, doanh nghiệp xuất khẩu sớm cán đích

Khánh Hồng - 01/12/2024 06:46 (GMT+7)

(VNF) - Bước vào quý IV năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu đã yên tâm khi có dồi dào đơn hàng và tự tin “về đích” sớm so với kế hoạch đề ra.

Doanh thu tăng

Những ngày này, toàn bộ người lao động của Công ty TNHH Mỹ Phương Food liên tục tăng ca sản xuất để đảm bảo tiến độ đơn hàng cho đối tác những tháng cuối năm.

Bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food, cho biế t hiện công ty có 2 nguồn khách hàng là nội địa và xuất khẩu. Những tháng cuối năm, nhu cầu của cả 2 nguồn khách này đều tăng cao nên công nhân phải tăng ca sản xuất.

“Hiện công ty đã ‘về đích’ sớm kế hoạch năm 2024. Năm nay doanh thu xuất khẩu của đơn vị tăng gấp 3 lần so với năm 2023, chiếm 50% tổng doanh thu của công ty, qua đó đẩy doanh thu chung cả năm tăng tích cực. Dự kiến đến cuối năm 2024, doanh thu cả năm sẽ tăng 150% so với năm 2023”, bà Nhi nói.

Tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, tất cả nhân sự đang cùng nhau nỗ lực sản xuất để đáp ứng sản lượng đơn hàng mà hàng khách đã đặt. Công nhân liên tục tăng ca để tăng sản lượng, kịp xuất hàng cho khách hàng theo tiến độ.

Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, cho hay vào những tháng cuối năm, đặc biệt là lễ hội Giáng sinh ở các nước, đa số người dân ở đây đều mua hàng làm quà nên số lượng đơn hàng của công ty tăng trưởng mạnh. Hiện tại, sản lượng của công ty tăng hơn so với dự kiến đầu năm đưa ra.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra, về đích sớm.

Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất U&I Phương Quân cũng đang tăng tốc sản xuất để kịp đáp ứng đơn hàng cho đối tác Nhật Bản với sản phẩm là viên nén gỗ. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đã hoàn thành và vượt kế hoạch của năm 2024 đề ra. Dự kiến, kết thúc năm 2024, doanh thu của công ty sẽ vượt khoảng 40% so với kế hoạch.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Miền Trung – Tây Nguyên, cho hay nhu cầu của các thị trường nước ngoài dịp cuối năm với nhiều lễ hội lớn đang tăng, rất có lợi cho tăng trưởng xuất khẩu của Đà Nẵng trong thời gian tới, đặc biệt với các ngành may mặc, giày dép, điện tử và nông lâm thủy sản...

Một số thị trường chiếm tỷ trọng giá trị xuất khẩu lớn của Đà Nẵng như Hoa Kỳ và châu Âu (EU) đang kiềm chế được lạm phát, tăng trưởng khá tốt, sức mua tăng, kéo theo nhu cầu nhập khẩu duy trì xu hướng tích cực. Thị trường các hiệp định thương mại tự do (FTA) tiếp tục có tác động tích cực, duy trì lợi thế của Đà Nẵng trong hoạt động thương mại, đầu tư.

Một số nhóm ngành sản xuất như các doanh nghiệp ngành may, giày da có thể tận dụng các lợi thế từ thị trường đối thủ cạnh tranh như bất ổn ở Bangladesh (quốc gia lớn thứ 2 thế giới trong ngành dệt, may, giày da) để tiếp nhận đơn hàng từ các nước này.

Cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, Cục Hải quan Đà Nẵng nỗ lực nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Đà Nẵng.

Khó khăn vẫn còn

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho hay so với năm ngoái, sản lượng của công ty năm nay tăng khoảng 10%. Hiện tại, nhu cầu đơn hàng dồi dào nhưng công ty không thể đáp ứng hết được nhu cầu của khách hàng.

Nguyên nhân là thời gian qua, giá tôm trên thế giới giảm, trong khi giá tôm của Việt Nam tăng do chi phí lên cao. Vì vậy, người nuôi tôm ít, giảm sản lượng. Hiện nay, giá thế giới có tăng lên, nhưng nông dân chưa kịp nuôi. Bên cạnh đó, nguồn lao động cũng đang bị thiếu. Nhiều lao động về quê và không trở lại thành phố bởi thu nhập của họ không tăng nhiều trong khi chi phí tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, cũng cho hay những tháng cuối năm, tình hình tuyển dụng nhân sự gặp nhiều khó khăn. Đa phần người lao động có tâm lý đợi qua năm mới đi làm, hoặc đợi các khoản thu nhập cũng như thưởng cuối năm nên việc dịch chuyển lao động rất hạn chế. Thêm vào đó, miền Trung đang vào mùa mưa nên những ngày mưa lớn, bão gió, tỷ lệ vắng nghỉ rất nhiều gây khó khăn cho sản xuất.

Bên cạnh những thuận lợi, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn những khó khăn về tuyển dụng lao động, nguồn nguyên liệu...

Bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Phương Food, cho biết 5 tháng qua, giá dừa – nguyên liệu chính để công ty làm bánh – tăng cao. Đồng thời, dừa mất mùa nên nguyên liệu khan hiếm. Vì vậy, sản lượng tăng, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp hạn chế.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Miền Trung – Tây Nguyên, cho hay kinh tế thế giới đang dần hồi phục nhưng lại đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức khó đoán định. Xung đột địa chính trị tiếp tục kéo dài và bất ổn tiếp tục có nguy cơ lan ra các khu vực khác dẫn đến khâu vận chuyển, cung ứng bị xáo trộn, giá cước, chi phí tăng cao. Sự phân mảnh về kinh tế và chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng…là rào cản.

Bên cạnh đó, các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng - là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, khiến môi trường trở nên khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương với Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...

Theo ông Quang, các doanh nghiệp cần theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để có các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới; thường xuyên thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng trong quá trình xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tăng cường hiện đại hoá máy móc để tăng năng suất và giảm các chi phí hoạt động không cần thiết; đa dạng hóa thêm các nguồn cung ứng nguyên vật liệu cũng như thay đổi hoàn thiện sản phẩm tốt và thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng truyền thống và các khách hàng tiềm năng mới…

Về phía thành phố, ông Quang cho rằng chính quyền cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng và đưa ra khuyến nghị cụ thể đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đồng thời, các bên liên quan cần tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường thế giới; đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu…

Cùng chuyên mục
Tin khác