E-Mart, CJ Hàn Quốc đổ bộ Tây Hồ Tây, lên kế hoạch đầu tư dự án khủng

Minh Anh - 23/09/2018 08:32 (GMT+7)

(VNF) - Hai tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ ăn uống, giải trí của Hàn Quốc là E - Mart và CJ đang xúc tiến triển khai các dự án khủng tại Starlake Tây Hồ Tây.

VNF
Phối cảnh siêu thị E-mark tại Starlake Tây Hồ Tây

Thông tin từ website chính thức của dự án Starlake Tây Hồ Tây cho biết, trung tuần tháng 9 vừa qua, E-Mart, một tập đoàn bán lẻ lớn của Hàn Quốc và Công ty TNHH Phát triển THT đã ký thỏa thuận đặt cọc chuyển nhượng lô đất thương mại B1CC1 và B1CC2 trong dự án Starlake Tây Hồ Tây.

Đây được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu sự xuất hiện của thương hiệu bán lẻ này tại Hà Nội. Trước đó, E-mart đã ra mắt lần đầu tiên tại TP. HCM vào năm 2015 với siêu thị rộng 3ha, tổng vốn đầu tư lên tới 60 triệu USD, tương đương 1.350 tỷ đồng.

Với việc chuyển nhượng hai lô đất thương mại tại dự án Starlake Tây Hồ Tây, E-Mart đang từng bước hiện thực hoá tham vọng tăng quy mô đầu tư và phát triển sâu của mình tại thị trường Việt Nam. Trước đó, tập đoàn này dự kiến sẽ mở 10 siêu thị hoặc hơn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Được thành lập vào năm 1993, E-Mart đã tạo ra tiếng vang lớn, vươn lên dẫn đầu toàn bộ khu vực Châu Á trong ngành bán lẻ với hơn 160 siêu thị lớn nhỏ tại khắp các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Mông Cổ.

Cuối tháng 7 năm 2018, cũng tại Starlake Tây Hồ Tây, Công ty TNHH Phát triển THT đã ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng hai khu đất thương mại B2CC1 và B2CC2 với Tập đoàn CJ của Hàn Quốc.

Giống như E-mart, động thái mới này của CJ cũng cho thấy tập đoàn này đang ngày càng gia tăng sự có mặt tại thị trường Việt Nam trên nhiều lĩnh vực thực phẩm, giải trí, thương mại điện tử qua các thương hiệu quen thuộc với người Việt như Tous Les Jours, CGV, CJ Korea Express và SCJ TV Homeshopping.

Trước đó, CJ cũng đã thực hiện hàng loạt các hoạt động mua bán và sáp nhập tại Việt Nam như mua 3,8% vốn Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản, mua 80% cổ phần rạp chiếu phim Megastar và đổi tên thành CJ CGV, mua 64,9% vốn Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt (công ty về sản phẩm dạng viên như bò viên, cá viên) và nâng tỷ lệ sở hữu vốn lên 71% tại Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre.

Chưa dừng lại ở đó, CJ tiếp tục lấn sâu vào thị trường Việt Nam khi các đơn vị thành viên có động thái gom vốn ở nhiều lĩnh vực khác. Gần đây nhất, CJ gom 15% vốn còn lại của Công ty Gemadept Tower và cùng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín thành lập Công ty TNHH Thương Tín - CJ Cầu Tre đầu tư tại TP. HCM.

Trở lại với câu chuyện tại Starlake Tây Hồ Tây, theo Công ty TNHH phát triển THT, tham vọng của họ khi chọn Tập đoàn CJ và E-mart làm nhà đầu tư phụ để phát triển các lô đất thương mại trong dự án này là nhằm thu hút người dân và khách du lịch đến với dự án nhờ mang đến các giá trị chân thực như chữa bệnh, thư giãn và giải trí.

Cho đến nay, khu nhà ở thấp tầng của Starlake đang hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng. Khu chung cư cao tầng cũng đang được triển khai. Trong khi đất xây dựng nhà ở tại dự án không còn nhiều, chủ đầu tư bắt đầu đẩy mạnh tiếp thị bán các lô đất thương mại.

Ngoài các lô đất đã bán cho E-mart và CJ, tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH S&D ký thoả thuận đặt cọc mua lô đất H5CC1 tại Starlake để xây dựng khách sạn. S&D Co., Ltd. là Công ty liên kết của SE&C Co., Ltd. đã hoạt động kinh doanh từ năm 2006 với kinh nghiệm cao trong việc phát triển và xây dựng kho bãi, hậu cần và khách sạn. Dựa trên việc quyết toán thành công dự án kho bãi tại khu công nghiệp Bắc Ninh và đủ năng lực tài chính, SE&C đã có ý định mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang ngành khách sạn tại Hà Nội.

Được biết, dự án Starlake Tây Hồ Tây do Tập đoàn Deawoo E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển THT là chủ dự án có tổng diện tích 186,3ha, tổng vốn đầu tư 548 triệu USD. Hiện, toàn bộ 114 ha thuộc giai đoạn 1 của dự án đã được giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư và đang dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Đáng chú ý, dự án này dành tới 31ha cho xây dựng quảng trường trung tâm và trụ sở các cơ quan hành chính, 8ha cho hệ thống giáo dục, 27ha cho trung tâm thương mại và kinh doanh, 4,5ha cho hồ điều hòa, và chỉ 16% diện tích dành cho nhà ở. Sau khi hoàn thiện, đây chắc chắn sẽ trở thành một khu vực phát triển mới của phía Tây Bắc TP. Hà Nội dọc theo trục Võ Chí Công - Nhật Tân đang rất sôi động.

Hàng loạt các dự án bất động sản lớn đã và đang hình thành tại khu vực này ngoài Starlake Tây Hồ Tây có thể kể đến như khu đô thị Ciputra, chung cư Tây Hồ Residence, chung cư Kosmo Tây Hồ, khu đô thị Ngoại Giao đoàn, dự án căn hộ Sunshine Riverside, dự án D'. El Dorado của Tân Hoàng Minh.

Phía bên kia cầu Nhật Tân, tuy chưa có nhiều dự án bất động sản hiện hữu nhưng Hà Nội đang lập quy hoạch rất tổng thể cho bất động sản khu vực này.

Sau khi tất cả các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động, đây sẽ là khu vực phát triển mới, đầy năng động của Thủ đô. Kéo theo đó, chắc chắn sẽ là nhu cầu rất cao của người dân về các siêu thị, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí.

Trong khi đó, hiện khu vực này vẫn đang rất thiếu các dự án thương mại. Hai dự án của E - Mart và CJ gần như là các dự án quy mô lớn đầu tiên tại phía Tây Bắc Hà Nội. Điều này lại một lần nữa cho thấy tầm nhìn chiến lược của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam trong các lĩnh vực vốn đã rất hấp dẫn các nhà đầu tư này như bán lẻ, ẩm thực, dịch vụ ăn uống, giải trí.

Theo TheLeader
Cùng chuyên mục
Tin khác