Bất động sản

Giao thông tuần qua: Vietnam Airlines được vay 4.000 tỷ, khởi công cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn trong tháng 7

(VNF) - Vietnam Airlines chính thức được vay gói tín dụng 4.000 tỷ đồng; cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn phấn đấu khởi công trong tháng 7/2021... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: Vietnam Airlines được vay 4.000 tỷ, khởi công cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn trong tháng 7

Vietnam Airlines chính thức được vay gói tín dụng 4.000 tỷ đồng.

Vietnam Airlines chính thức được vay gói tín dụng 4.000 tỷ đồng

Vietnam Airlines vừa chính thức ký kết hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng thương mại là Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.

Theo đó, ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành nghị quyết về gói hỗ trợ vào cuối năm 2020, Vietnam Airlines đã chủ động làm việc với một số tổ chức tín dụng để tìm kiếm sự chấp thuận cho vay vốn mang tính nguyên tắc từ các ngân hàng trong bối cảnh tình hình tài chính của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19.

Giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông nhà nước nắm giữ 86,19% cổ phần tại Vietnam Airlines để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Hiện tại, Vietnam Airlines đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III/2021. (Xem thêm)

Sơn Hải muốn Thanh Hóa cho 'cơ chế đặc thù' tại mỏ vật liệu làm cao tốc hơn 7.200 tỷ

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc giao xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải liên quan đến dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đề xuất mỏ vật liệu áp dựng cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Chính phủ đối với dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Liên quan đến việc này, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, UBND thị xã Nghi Sơn và các ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu nội dung đề nghị của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; báo cáo, đề xuất nội dung vượt thẩm quyền với chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/7.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu có tổng mức đầu tư 7.293,2 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị 4.305,9 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 1.778,1 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 553 tỷ đồng; chi phí dự phòng 656 tỷ đồng. Thời gian xây dựng dự án khoảng 2 năm, hoàn thành năm 2023. (Xem thêm)

Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đình trệ vì thiếu vốn

Theo Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU) thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (chủ đầu tư cao tốc Bến Lức – Long Thành), cao tốc Bến Lức – Long Thành có chiều dài gần 58 km, đi qua địa bàn Long An, TP. HCM và Đồng Nai; trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai là dài nhất với hơn 27km.

Để xây dựng cao tốc, nhà nước phải thu hồi hàng trăm ha đất của hàng nghìn hộ dân. Đến nay, việc giải phóng mặt bằng tại Long An cơ bản đã hoàn thành. Đối với đoạn qua TP. HCM còn vướng mặt bằng của 17 hộ dân.

Nguồn vốn phục vụ giải phóng mặt bằng và phục hồi thu nhập cho người dân tại Long An và TP. Hồ Chí Minh còn thiếu khoảng 100 tỷ đồng. Số tiền này SEPMU vẫn chưa được bố trí. Đại diện SEPMU cho biết, riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai, đến nay, việc giải phóng mặt bằng đạt gần 99%.

Để giải quyết khó khăn về vốn, cuối năm 2020, SEPMU đã được UBND tỉnh Đồng Nai cho tạm ứng gần 12 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để thực hiện giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành.

Đầu năm 2021, SEPMU tiếp tục đề nghị Đồng Nai cho tạm ứng khoảng 10 tỷ đồng để bồi thường, hỗ trợ cho người dân vùng dự án nhưng chưa được chấp thuận.

Nguyên nhân thiếu vốn giải phóng mặt bằng là do trước đây, nguồn vốn thực hiện giải phóng mặt bằng là từ ngân sách Nhà nước được phân bổ cho Bộ Giao thông Vận tải để phân bổ cho các dự án bao gồm cao tốc Bến Lức – Long Thành. (Xem thêm)

Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn phấn đấu khởi công trong tháng 7/2021

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 (Ban QLDA) cho biết: Tính từ năm 2018 đến nay, dự án cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn đã giải ngân là 1.239,2 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) đạt 1.161,5 tỷ đồng; chi phí QLDA, tư vấn và chi phí khác là 77,6 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án đã tìm được nhà thầu cho 2/3 gói thầu và có thể khởi công trong tháng 7/2021.

Liên quan đến công tác chọn nhà thầu cho dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu: trong công tác đấu thầu chọn nhà thầu phải công khai minh bạch, lựa chọn các nhà thầu thực sự đáp ứng được năng lực, kinh nghiệm. 

"Giám đốc Ban QLDA là người trực tiếp chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ GTVT về tiến độ, chất lượng của dự án", Bộ trưởng nêu rõ.

Đối với cao tốc QL 45 - Nghi Sơn, đây là dự án được chuyển đổi từ phương thức đầu tư đối tác công-tư (PPP) sang đầu tư công theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Vì thế, đến thời điểm này mới chọn nhà thầu, tư vấn giám sát (TVGS) và gói thầu bảo hiểm cho dự án.

Đại diện Ban QLDA 2 cho hay, đối với gói thầu xây lắp đã chọn xong nhà thầu 2/3 gói thầu; đối với gói thầu TVGS đã lựa chọn xong nhà thầu 1/3 gói thầu; đối với gói thầu bảo hiểm công trình dự án đang triển khai lựa chọn nhà thầu. (Xem thêm)

Hàng không 'ngủ đông' đến bao giờ?

Với cơn sóng covid – 19 lần 3, oái ăm thay lại rơi đúng vào dịp cao điểm Tết Tân Sửu, vì thế, các hãng hàng không bị cắt giảm hàng nghìn chuyến bay và hoàn trả hành khách hàng nghìn tỷ đồng tiền vé.

Đến tháng 4/2021, làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát trở lại đúng cao điểm hè khiến các hãng hàng không “mất trắng mùa vàng”. Con số cay đắng ghi nhận từ Cục Hàng không cho thấy, các hãng chỉ thực hiện được 4.900 chuyến bay (chủ yếu là chở hàng và chuyên gia), giảm tới 74% so với cùng kỳ.

Mới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cay đắng thừa nhận hãng có thể phá sản. Đây là nguy cơ hiện hữu khi năm 2020 ghi nhận mức lỗ 14.000 tỷ đồng. Đến quý I/2021, Vietnam Airlines lỗ 4.800 tỷ đồng, dự kiến 6 tháng đầu năm lỗ khoảng 10.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức lỗ trong 2 năm qua của đơn vị này lên tới 26.000 tỷ đồng. Trong khi, “lời hứa” được hỗ trợ 4.000 tỷ đồng vẫn... “chờ giải ngân”.

Với Vietjet, năm 2021 cũng là “cơn ác mộng” chưa từng có khi báo cáo tài chính hãng này ghi nhận mức thiếu hụt hàng nghìn tỷ đồng. Con số khá bất ngờ vì từ khi thành lập đến nay hãng này luôn tăng trưởng mạnh mẽ.

Còn đối với Bamboo Airways, mới đây, trong báo cáo tài chính của hàng cũng thừa nhận những khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức lỗ của Bamboo Airways có thể lớn hơn vì hãng này đang kinh doanh dưới giá vốn.

Hiện tại, tài chính của 3 hãng hàng không trên đã ở mức “báo động đỏ” khi chỉ số nợ ngắn hạn lên tới 36.000 tỷ đồng, riêng Vietnam Airlines nợ 20.000 tỷ đồng. Thế nhưng, không ai đảm bảo mức lỗ này chỉ dừng ở đây khi toàn ngành hàng không đang tê liệt, kiệt quệ mà chưa rõ ngày trở lại.

Thử phép tính đơn giản sẽ thấy, hiện tại, với 80% máy bay đang đắp chiếu thì dù không bay các hãng vẫn phải trả phí đậu đỗ hơn 100 tỷ đồng/mỗi ngày. Chưa kể trả lương cho các cán bộ, phi công, tiếp viên, chi phí thuê văn phòng và các dịch vụ khác… (Xem thêm)

Tin mới lên