GS Đặng Hùng Võ: ‘Mọi chính sách về nhà ở xã hội đều có vấn đề’

Lê Nguyễn - 16/11/2018 15:10 (GMT+7)

(VNF) – GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng tất cả chính sách về nhà ở xã hội hiện nay đều có vấn đề, nếu tiếp tục sẽ không đạt hiệu quả.

VNF
GS Đặng Hùng Võ

Theo đánh giá của GS Đặng Hùng Võ, chính sách nhà ở xã hội hiện nay mang tính bao cấp khá nhiều, không tạo ra được động lực xã hội trong việc giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội.

Thứ nhất là việc gói 30.000 tỷ đồng kết thúc đã gây một tác động tiêu cực đến thị trường nhà ở xã hội, cả về lực cung và nguồn cầu, bất chấp việc chính phủ đã có chính sách cho vay ưu đãi.

Thứ hai, việc yêu cầu nhà ở thương mại phải cắt 20% quỹ nhà để sử dụng vào mục đích nhà ở xã hội là bất hợp lý. “Điều này không phù hợp về mặt không gian nhà ở, điều kiện sống, thậm chí có khả năng gây hại cho nhà ở thương mại trung cấp và cao cấp. Mặt khác, chính sách nay cũng làm tăng giá nhà ở thương mại nói chung”, ông Võ nhận định.

Thứ ba, chính quyền giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở xã hội nhưng trên thực tế, tại các dự án nhà ở xã hội hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư nếu phải thực hiện.

“Từ những phân tích trên, tôi cho rằng tất cả các chính sách hiện hành đang có vấn đề, nếu tiếp tục sẽ không đạt hiệu quả. Đấy là những chính sách cơ bản nhưng mang tính chất bao cấp. Đặc biệt, việc mất nguồn tín dụng ưu đãi áp dụng cho nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ đã lộ các tác động tiêu cực ra thực tế, khiến nguồn cung nhà ở xã hội bị thiếu hụt”, ông Võ bình luận.

Theo GS Võ, để giải quyết nhu cầu nhà ở của đại đa số người dân, nhà ở thương mại giá rẻ mới là giải pháp chính.  Ông Võ cho rằng cần tiếp tục xây dựng cơ chế đối với nhà ở thương mại giá rẻ để giải quyết vấn đề xã hội, thay vì việc đi theo chính sách phát triển nhà ở xã hội mang nhiều tính bao cấp.

Ông Võ đề nghị cần loại bỏ thuật ngữ “nhà ở xã hội” gắn với bao cấp của nhà nước và tập trung vào chính sách phát triển nhà thương mại giá rẻ.

Những chính sách cần làm là miễn giảm tiền sử dụng đất đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại giá rẻ; chỉ yêu cầu chủ đầu tư bồi thường, hỗ trợ tái đinh cư và nộp phần chênh lệch đối với giá trị đất đã được trừ đi phần được giảm. Quy hoạch cũng cần tính đến việc sử dụng nguồn lực đất công chưa đưa vào sử dụng để phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế miễn giảm một số loại thuế liên quan đến kinh doanh bất động sản như VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp… nhằm giảm giá thành nhà ở.

Ngoài ra, nhà nước cũng cần hình thành các quỹ phát triển nhà ở giá rẻ và động viên sự đóng góp của doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại, các tổ chức chính trị xã hội và cá nhân giàu có. Người thu nhập thấp cũng phải góp tiền vào quỹ này tới mức nhất định thì được mua nhà giá rẻ. Các dự án nhà ở thương mại phải góp vào quỹ này một giá trị tương đương 20 giá trị nhà ở của dự án để phát triển nhà ở thương mại giá rẻ.

Đặc biệt, ông Võ cho rằng nhà nước cần tiếp tục đàm phán vay ODA với các tổ chức phát triển quốc tế, các quốc gia phát triển để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường này.

“Tôi tin rằng khi có nhà đầu tư nước ngoài vào, họ sẽ tìm mọi cách để giảm giá. Điều này cũng sẽ ra tạo ra sự cạnh tranh, làm cho doanh nghiệp Việt Nam thay đổi. Giảm giá nhà ở không phải chỉ từ giảm chi phí đất đai, chi phí tín dụng, chi phí thuế mà cần tính tới chi phí xây dựng, chi phí vật liệu, chi phí quản lý và nhiều chi phí khác nữa”, ông Võ cho hay.

Cùng chuyên mục
Tin khác