Hà Nội muốn xây dựng nhà hát hơn 13.000m2 sát hồ Tây
Anh Hùng -
13/07/2022 14:20 (GMT+7)
(VNF) - Theo quy hoạch bán đảo Quảng An của quận Tây Hồ, khu vực này dự kiến sẽ có một nhà hát có diện tích khoảng 13.000m2. Đây là công trình được kỳ vòng sẽ trở thành một trong những biểu tượng văn hoá mới của Thủ đô.
UBND quận Tây Hồ hiện đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An.
Theo đồ án quy hoạch 1/500 này, tổng diện tính nghiên cứu khoảng 77,46ha, trong đó quy mô diện tích lập quy hoạch 45,3ha thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên.
Tổ chức không gian kiến trúc tại khu vực nhằm thiết lập trục không gian kết nối từ khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây - Hồ Tây - bán đảo Hồ Tây - Sông Hồng - thành Cổ Loa góp phần bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước Hồ Tây, hồ Đầm Trị... các di tích đình, đền, chùa hiện có.
Theo quy hoạch, bán đảo Quảng An sẽ hình thành trục cây xanh, bao gồm khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề. Đặc biệt, trong đó có xây dựng một nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội, với trục không gian cảnh quan đảm bảo yêu cầu phục vụ cộng đồng (không ngăn chia chức năng sử dụng ngoài mục đích công cộng).
Cùng với đó là khu vực phát triển thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Về nhà hát, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ, cho biết công trình nhà hát được xây dựng ở khu vực hồ Đầm Trị nhưng không ảnh hưởng nhiều đến phần diện tích mặt nước và cũng không nằm trong diện tích của Hồ Tây.
Được biết, công trình nhà hát có diện tích khoảng 13.000m2, thiết kế nổi trên mặt hồ Đầm Trị, sẽ là không gian trình diễn nghệ thuật, tổ chức các sự kiện văn hóa chính trị của Thủ đô.
"Nhà hát sẽ trở thành biểu tượng văn hóa mới của Thủ đô Hà Nội, gồm các không gian biểu diễn nghệ thuật hàng đầu của Việt Nam, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật cũng như nâng cao giá trị tinh thần của người dân", ông Hoàng cho hay.
Khu vực Hồ Tây được hoạch định là khu vực trung tâm, là trục không gian lịch sử, văn hóa lớn của Thủ đô. Trong đó, khu vực trọng tâm sẽ là bán đảo Quảng An, Sông Hồng và Thành Cổ Loa, với các tuyến đường cần thiết như: vành đai 2 đi Nhật Tân, tuyến đường bao quanh Hồ Tây,… được thiết kế không gian, cảnh quan mở, có nhiều điểm nhìn rộng.
Hồ Tây có khoảng 400ha cảnh quan mặt nước, xunh quanh tập trung nhiều di tích lịch sử văn hoá mang đặc trưng bản sắc Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, lâu nay vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có của nó. Các hộ kinh doanh trên địa bàn chủ yếu mới chỉ khai tác dịch vụ lưu trú, du lịch, ăn uống quy mô nhỏ lẻ. Nghề trồng hoa cây cảnh truyền thống ở Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên có xu hướng mai một dần vì quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp…
Do đó, quận Tây Hồ xác định việc tập trung đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, phát triển bán đảo Quảng An thành trung tâm dịch vụ văn hoá, thương mại, du lịch chất lượng cao…là cần thiết, nhằm khai thác tối ưu và bền vững những giá trị độc đáo riêng biệt ở đây mà không phải nơi nào ở Thủ đô Hà Nội cũng có được.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone