Hành trình từ ngôi sao chính trị đến tòa án của ông Đinh La Thăng
Lê Nguyễn -
08/01/2018 10:21 (GMT+7)
(VNF) – Từng được xem là ngôi sao đang lên của chính trường Việt Nam khi lần lượt đảm nhận những cương vị quan trọng: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM, ông Đinh La Thăng đã bất ngờ "ngã ngựa" vì những sai phạm kinh tế từ thời làm chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (giai đoạn 2009 – 2011).
Ông Đinh La Thăng: Ngôi sao chính trị một thời
Ông Đinh La Thăngsinh ngày 10/9/1960 tại xã Yên Bình, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính) và có bằng tiến sĩ Kinh tế học vào năm 1996.
Sự nghiệp của ông Đinh La Thăng bắt đầu từ năm 1983 với vị trí kế toán viên Công ty Cung ứng Vật tư (thuộc Tổng công ty Xây dựng Thủy điện Sông Đà). Cho đến 20 năm sau, ông đã là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Đà, đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Trong 2 năm kế tiếp (2003 – 2005), ông Thăng được điều động làm Phó bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế kiêm đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Năm 2006 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông Đinh La Thăng khi lần đầu tiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm đó ông đồng thời đảm nhiệm chức Phó bí thư Đảng uỷ cơ quan Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Tháng 12/2008, ông Thăng chính thức đảm nhiệm cương vị chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam(PVN) và giữ chức vụ này cho đến năm 2011.
Năm 2011, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải – một trong những chiếc ghế Bộ trưởng "nóng" nhất bấy giờ.
Ông giữ chức vụ này đến năm 2016 thì được bầu vào Bộ Chính trị, đảm nhiệm cương vị Bí thư Thành ủy TP. HCM.
Trong suốt 10 năm là Ủy viên Trung ương Đảng và nhất là từ khi nắm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Đinh La Thăng được xem là ngôi sao của chính trường Việt Nam khi liên tục có những phát ngôn và hành động gây xôn xao dư luận.
Chẳng hạn như thời làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Thăng nổi tiếng vì thường xuyên rà soát, thúc tiến độ các công trình xây dựng lớn; chỉ trích nhà thầu Trung Quốc vì để xảy ra tai nạn; "trảm" hàng loạt tổng giám đốc, giám đốc các công ty trong ngành; đu dây xuống vực chỉ đạo cứu nạn…
Khi làm Bí thư Thành ủy TP. HCM, ông Thăng lại nổi tiếng vì công bố đường dây nóng; chỉ đạo làm đường, xây nhà cho mẹ Việt Nam anh hùng; vớt bèo tây ở rạch Dừa…
Trong một thời gian rất dài ông Đinh La Thăng luôn là tâm điểm của truyền thông, các hoạt động của ông được đưa tin cập nhật, đầy đủ - nhiều hơn bất cứ người đồng cấp nào.
Từ đỉnh cao về vực sâu
Khi đang trên đỉnh cao của quyền lực (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM), ông Đinh La Thăng bất ngờ bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là "chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV PVN trong giai đoạn 2009 – 2011" và một loạt sai phạm khác tại tập đoàn này.
Kết luận này đã dẫn đến ông bị kỷ luật cảnh cáo, cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị và mất chức Bí thư Thành ủy TP. HCM. Tiếp đó Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội trước khi Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông về những sai phạm tại PVN.
Cuối tháng 12/2017, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ban hành cáo trạngtruy tố ông Đinh La Thăng về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" trong vụ án xảy ra tại PVN và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng với vai trò chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PV Power ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho nhà nước hơn 119 tỷ đồng.
Ngày 8/1/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng cùng 21 thuộc cấp. Với tội danh bị truy tố, ông Thăng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt lên tới 20 năm tù.
Được biết, tại phiên tòa này, ông Đinh La Thăng có 3 luật sư bào chữa gồm: Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp và Đào Hữu Đăng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone