Heineken bán mảng kinh doanh tại Nga với giá 1 euro
Minh Ý -
25/08/2023 17:46 (GMT+7)
(VNF) - Thỏa thuận của Heineken với Tập đoàn Arnest của Nga được đưa ra sau khi Moscow có động thái tịch thu tài sản địa phương của hãng bia Đan Mạch Carlsberg.
"Gã khổng lồ" sản xuất bia Heineken mới đây cho biết hãng đã bán hoạt động kinh doanh ở Nga, bao gồm 7 nhà máy bia và 1.800 nhân viên, cho một công ty mỹ phẩm và bao bì của Nga - Arnest, với số tiền tượng trưng 1 euro (hơn 1 USD).
Thực chất, thương vụ của Heineken với Arnest Group đã mất gần 18 tháng mới hoàn thành. Vào tháng 3/2022, Heineken cho biết họ sẽ rời Nga ngay sau khi Moscow đưa quân vào Ukraine. Vào tháng 4 năm nay, hãng bia Hà Lan cho biết họ đã nộp đơn lên chính quyền Nga để chuyển nhượng hoạt động kinh doanh.
Heineken, công ty cũng sở hữu các nhãn hiệu bia Sol, Birra Moretti và Tiger, cho biết Arnest đã đồng ý trả một khoản tiền tượng trưng là 1 euro cho doanh nghiệp. Đổi lại, Arnest sẽ hoàn trả 100 triệu EUR mà đơn vị Heineken ở Nga nợ cho công ty mẹ như một phần của thỏa thuận.
Đồng thời, Heineken cho biết Arnest đã cam kết giữ nhân viên của Heineken trong 3 năm tới.
Sau khi tuyên bố ngừng bán nhãn hiệu Heineken tại Nga vào năm ngoái và dần loại bỏ thương hiệu Amstel, Heineken cho biết sẽ không có thương hiệu quốc tế nào khác được cấp phép ở Nga ngoài Gösser và Edelweiss, cả hai loại bia của Áo, và Krusovice, một loại bia của Séc.
Hãng cho biết việc cho phép những thương hiệu đó tiếp tục được bán là một yêu cầu để đảm bảo giao dịch được phê duyệt. Giấy phép đó sẽ có hiệu lực trong 3 năm và chỉ cho phép sử dụng tên thương hiệu bằng chữ Cyrillic.
Heineken sẽ không cung cấp tài liệu tiếp thị, nghiên cứu chuyên sâu hoặc hỗ trợ khác và sẽ không nhận bất kỳ khoản tiền thu được, tiền bản quyền hoặc phí nào từ Nga. Công ty sẽ phải chịu khoản phí một lần trị giá 300 triệu EUR gắn liền với việc rút lui.
Heineken cho biết thỏa thuận này không ảnh hưởng đến kế hoạch của họ trong năm nay.
Đây là diễn biến mới nhất trong làn sóng "bỏ Nga ra đi" của các doanh nghiệp phương Tây, được kích hoạt từ thời điểm nổ ra chiến sự tại Ukraine.
Phía Nga gần đây đã có động thái siết chặt hơn việc các công ty rời khỏi đất nước, thông qua một nghị định vào tháng 4 cho phép chính quyền Nga tạm thời kiểm soát tài sản của các công ty hoặc cá nhân từ những quốc gia mà Moscow gọi là các quốc gia “không thân thiện”.
Tháng trước, Nga đã tịch thu hoạt động tại địa phương của công ty thực phẩm Pháp Danone và nhà sản xuất bia Đan Mạch Carlsberg. Nước này bổ nhiệm bộ trưởng nông nghiệp Chechnya lãnh đạo Danone và một doanh nhân người Nga điều hành hoạt động của Carlsberg.
Giám đốc điều hành Heineken Dolf van den Brink cho biết: “Những diễn biến gần đây cho thấy những thách thức đáng kể mà các công ty sản xuất lớn phải đối mặt khi rời khỏi Nga”.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone