Hội đàm Alaska: Mỹ - Trung kết thúc trong căng thẳng và mông lung

Khánh Lê - 21/03/2021 08:33 (GMT+7)

(VNF) - Cuộc gặp mặt đầu tiên kéo dài 2 ngày giữa các quan chức cấp cao của hai nước Mỹ - Trung đã khép lại.

Ngay từ phiên khai mạc đầu tiên vào ngày 18/3, đại diện hai nước đã có màn "khẩu chiến" nảy lửa khi công khai chỉ trích chính sách của nước đối phương.

Được biết, sau khi đoàn Trung Quốc rời khỏi phòng họp chung, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi đã dự báo ​​có các cuộc đàm phán khó khăn về nhiều vấn đề với Trung Quốc”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, ông không ngạc nhiên khi Mỹ nhận được "phản ứng mang tính phòng thủ" từ Trung Quốc sau khi Washington nêu quan ngại vấn đề Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, cũng như về các cuộc tấn công mạng và gây áp lực lên Đài Loan.

Cuối buổi họp, việc hai bên không thể dự bữa tối theo thông lệ trong các sự kiện ngoại giao cùng nhau đã cho thấy mâu thuẫn ngày càng căng thẳng giữa hai nước.

Cuộc "khẩu chiến" nảy lửa giữa giới chức cấp cao Mỹ - Trung đã kết thúc sau hai ngày căng thẳng.

Tuy nhiên, ông Blinken nhấn mạnh Mỹ đã hoàn thành những gì phải làm trong cuộc họp: "Chúng tôi đã nói với Trung Quốc rằng Mỹ đang xem xét  các vấn đề kinh tế, thương mại, công nghệ với sự tham vấn chặt chẽ từ Quốc hội, các đồng minh và đối tác. Chúng tôi sẽ bảo vệ và nâng cao lợi ích của công nhân và doanh nghiệp Mỹ".

Theo SCMP, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì sau buổi hội đàm chỉ trao đổi với truyền thông nhà nước Trung Quốc, nói rằng cuộc thảo luận mang tính xây dựng và có lợi nhưng “vẫn có những khác biệt”.

Đồng thời, Ngoại trưởng Vương Nghị khẳng định Trung Quốc đã chuyển tải thông điệp rằng vấn đề chủ quyền là mang tính nguyên tắc và Bắc Kinh sẽ quyết tâm để bảo vệ chủ quyền.

Ngay sau đó, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đăng tải các bình luận nói rằng các quan chức nước này đang làm tốt công việc ở Alaska, cho rằng phía Mỹ thiếu sự chân thành.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết, hai bên cũng có những điểm chung trong các vấn đề về Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu. 

Xét trên nhiều phương diện, buổi hội đàm cấp cao lần này giữa hai nước vẫn còn nhiều vấn đề bị bỏ ngỏ. Bởi vậy, cuộc gặp thượng đỉnh giữa người đứng đầu hai nước là Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình rất có thể sẽ không xảy ra.

Chuyên gia kinh tế Tom Orlik phân tích: "Có thể nói Trung Quốc tự tin vào sự phát triển vượt bậc của mình đến mức họ không thấy lợi ích gì khi hợp tác với các nước khác nếu không đáp ứng các mục tiêu của riêng họ".

Xem thêm >> Hội đàm Alaska: Mỹ-Trung tranh cãi nảy lửa

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác