Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark Hải Dương hồi sinh sau 10 năm bỏ hoang
Lệ Chi -
05/03/2019 11:13 (GMT+7)
(VNF) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 249/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng và nhà xưởng trong khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark (tỉnh Hải Dương).
Cụ thể, nhà đầu tư là Công ty TNHH Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát. Dự án có vốn đầu tư 2.034 tỷ đồng, trong đó, vốn góp là 910 tỷ đồng, vốn vay là 1.124 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo Công ty TNHH Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan trong quá trình thực hiện dự án; chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương xem xét việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho dự án theo quy định của pháp luật, đảm bảo phù hợp với quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan liên quan của tỉnh giám sát thực hiện dự án theo các nội dung quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có việc góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn để thực hiện dự án; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, giao Bộ Tài chính hướng dẫn Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư của dự án.
Dự án Khu công nghiệp Việt Hòa – Kenmark được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2005, chủ đầu tư dự án (Kenmark, Đài Loan) đã cam kết bỏ ra 500 triệu USD xây dựng khu công nghiệp quy mô lớn, bao gồm cả một khu đô thị. Theo kế hoạch, giai đoạn I, Kenmark sẽ đầu tư khoảng 98 triệu USD và trên thực tế cũng đã giải ngân được 44 triệu USD.
Tuy nhiên, tới năm 2010, chủ đầu tư bất ngờ bỏ về nước, dự án ngừng triển khai và bỏ hoang từ đó tới nay. Bất đồng giữa Kenmark và hai nhà đầu tư Malaysia cũng góp vốn xây dựng khu công nghiệp này được cho là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark vỡ kế hoạch.
Một nguyên nhân khác khiến dự án Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark chậm triển khai nằm ở khoản nợ 67,6 triệu USD (tương đương 1.500 tỷ đồng) mà chủ đầu tư Dự án vay của ba ngân hàng Việt Nam (là BIDV, SHB và Habubank).
Trong đó, BIDV chi nhánh Thành Đô cho vay 39,1 triệu USD, SHB Quảng Ninh cho vay 18,5 triệu USD, Habubank Bắc Ninh cho vay 10 triệu USD. Sau này, khi Habubank sáp nhập SHB, thì khoản nợ của Habubank được tính cho SHB.
Thực tế trước đây, việc rao bán Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark đã được thực hiện nhưng bất thành. Sau 6 năm thương thảo, chưa có nhà đầu tư nào đồng ý mua lại khu công nghiệp này.
Sau nhiều lần rao bán không thành công, tới phiên đấu giá tháng 3/2018, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát đã trả giá bằng giá khởi điểm là 756 tỷ đồng để mua lại tài sản này.
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Kỹ thuật cao An Phát, nay có tên là Công ty TNHH Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát, là một công ty con của AAA - thành viên Tập đoàn An Phát Holdings.
Công ty được thành lập tháng 10/2017 với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, sau 2 lần tăng vốn góp, AAA đang sở hữu 96,15% vốn điều lệ.
Sau khi tiếp nhận Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark, AAA và Tập đoàn An Phát Holdings đổi tên thành An Phát Complex, hướng đến đầu tư sản xuất sản phẩm nhựa kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường như nhựa ép phun kỹ thuật cao, bao bì nhựa tự hủy, vật liệu xây dựng PVC công nghệ cao…
Với việc phát triển các dự án này, Công ty An Phát dự kiến sẽ tạo việc làm cho từ 3.000 - 5.000 lao động địa phương và đóng góp cho ngân sách tỉnh từ 200 - 300 tỷ đồng/năm. Công ty sẽ đẩy nhanh việc cải tạo, sửa chữa các công trình hạ tầng của dự án để khôi phục hoạt động của Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark.
Hiện An Phát có 2 nhà máy ở Khu công nghiệp Nam Sách, 5 nhà máy ở Cụm công nghiệp An Đồng tại Hải Dương, 3 nhà máy ở Yên Bái.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone