Kinh tế học trọng cung là gì?

Thanh Hằng - 30/07/2018 22:47 (GMT+7)

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Kinh tế học trọng cung (supply-side economics) là gì?

VNF
Kinh tế học trọng cung (supply-side economics) Ngành của kinh tế học quan tâm đến năng lực sản xuất của nền kinh tế .

Kinh tế học trọng cung (supply-side economics) là ngành của kinh tế học quan tâm đến năng lực sản xuất của nền kinh tế và những chính sách được hoạch định để cải thiện tính linh hoạt của thị trường nhân tố, qua đó tạo ra mức sản lượng lớn nhất cho mỗi mức tổng cầu nhất định.

Các nhà kinh tế trọng cung đã nghiên cứu tính cứng nhắc về mặt thể chế trên thị trường nhân tố và ảnh hưởng của giá nhân tố quá cao đối với tình trạng mất việc làm. Từ nhận thức thu được, họ lên án hành vi của công đoàn trên thị trường lao động. Theo họ, công đoàn đã đẩy tiền lương lên quá cao so với năng suất doanh thu cận biên của công nhân, qua đó gây ra tình trạng thất nghiệp.

Những ý tưởng tương tự cũng đưa họ tới chỗ lên án một số hệ thống phúc lợi và thuế lũy tiến với lý do là chúng tạo ra cái gọi là bẫy nghèo khổ; chúng làm cho người bị thất nghiệp không có động cơ để làm những công việc trả lương thấp.

Các nhà lý thuyết trọng cung cho rằng việc cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và công ty và công ty có thể đem lại nguồn thu cao hơn cho ngân sách của chính phủ. Thứ nhất, họ cho rằng mức thuế thấp hơn làm cho mọi người làm việc tích cực hơn và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mở rộng hơn, do họ biết rằng sẽ được hưởng tỷ lệ cao hơn từ mức thu nhập tăng thêm. Sự mở rộng quy mô hoạt động kinh tế này sẽ làm cho chính phủ thu được nhiều tiền thuế hơn, cho dù thuế suất bị cắt giảm.

Ngoài ra, do mức thuế thấp, nhiều người cũng chuyển từ những hoạt động không chính thức sang hoạt động chính thức, vì họ không còn coi mức thuế phải nộp là quá cao.

Theo các nhà trọng cung, tác động tổng hợp của hai yếu này chắc chắn làm cho tổng mức thuế thu được cao hơn trường hợp không cắt giảm thuế suất.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Phái này nhấn mạnh việc nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cung cấp của nền kinh tế nhằm mục đích nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng (nhờ vậy nâng cao được tốc độ tăng trưởng kinh tế mà không gây ra áp lực lạm phát).

Các biện pháp, chính sách để đạt được các mục tiêu nói trên gồm:

  • Giảm thuế dựa theo lý luận đường cong Laffer để cho doanh nghiệp và hộ gia đình hăng hái đầu tư;
  • Xóa bỏ các chướng ngại đối với đầu tư tư nhân, cụ thể là tự do hóa kinh tế, giải điều tiết;
  • Chuyển nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân bằng cách thực hiện chính phủ nhỏ (cải cách các chương trình an sinh xã hội, tư nhân hóa các tài sản công cộng, giảm trợ cấp, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia cung cấp hàng hóa công cộng, v.v…).
Cùng chuyên mục
Tin khác