Lâm Đồng: Tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar gần 2.600 tỷ của Golden City gặp khó

Nghi Xuân - 26/10/2022 18:24 (GMT+7)

(VNF) - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chưa chấp thuận đề xuất thực hiện đầu tư dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar tại huyện Lạc Dương của Công ty Cổ phần Golden City.

VNF
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đề nghị chưa chấp thuận đề xuất thực hiện đầu tư dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar. (Ảnh minh họa)

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về kết quả thẩm định đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar của Công ty Cổ phần Golden City.

Theo đề xuất của Công ty Cổ phần Golden City, dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar có địa điểm thực hiện thuộc một phần tiểu khu 145B, 114A trên địa bàn thị trấn Lạc Dương và xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương. Diện tích đất thực hiện dự án khoảng 90,29ha (diện tích thuộc thị trấn Lạc Dương là 40,54ha; diện tích thuộc xã Đạ Sar là 49,75ha).

Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án này là 2.594,5 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 373,4 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm vốn của chủ đầu tư là 389,1 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng là 2.205,3 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án là từ quý IV/2022 đến hết quý IV/2028. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Theo ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, khu vực đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar của Công ty Cổ phần Golden City có ảnh hưởng đến diện tích khoảng 2,87ha rừng tự nhiên.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn Công ty Cổ phần Golden City điều chỉnh ranh giới khu vực đề nghị chấp thuận dự án đảm bảo không tác động đến rừng tự nhiên theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, hầu hết khu vực này là diện tích sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, do đó việc thực hiện dự án sẽ làm mất đi một diện tích không nhỏ diện tích đang sản xuất nông nghiệp ổn định của người dân địa phương. Chính vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cân nhắc về hiệu quả đầu tư cũng như mức độ ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt tại hồ Đan Kia Suối Vàng, trật tự, an ninh chính trị tại địa phương làm cơ sở để xem xét chủ trương đầu tư dự án cho phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế.

Còn theo Sở Tài chính Lâm Đồng, theo văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư ngày 8/8, Công ty Cổ phần Golden City đề xuất nguồn vốn đầu tư từ vốn huy động là hơn 2.205,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ nhận được không có tài liệu chứng minh khả năng huy động vốn theo để xuất của công ty. Do đó, Sở Tài chính không có cơ sở để tham gia ý kiến.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng thì đánh giá dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar do Công ty Cổ phần Golden City đề xuất không phù hợp với các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch sử dụng đất huyện Lạc Dương đến năm 2020, quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; khu vực đề xuất dự án chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được phê duyệt do đó chưa đủ cơ sở để tiến hành thẩm định cụ thể, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Từ những vấn đề này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chưa chấp thuận đề xuất thực hiện đầu tư dự án tổ hợp sân golf và du lịch nghỉ dưỡng Đạ Sar tại huyện Lạc Dương của Công ty Cổ phần Golden City.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng giao UBND huyện Lạc Dương rà soát các nội dung về hiện trạng rừng, quy hoạch, đánh giá kỹ lưỡng mức độ tác động của dự án đối với đời sống nhân dân, ảnh hưởng đối với môi trường và một số nội dung khác có liên quan; thực hiện các thủ tục để đủ điều kiện đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Golden City được biết đến là doanh nghiệp địa ốc hàng đầu ở Nghệ An, với chuỗi dự án chung cư Golden City 1, 2, 3, 5, 6 tại TP. Vinh, một dự án nghỉ dưỡng Resort Golden City Cửa Lò quy mô 10ha...

Ngoài ra, công ty này còn mở rộng địa bàn hoạt động sang các tỉnh lân cận như Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, thậm chí "nam tiến" vào Đà Lạt, TP. HCM. Tính đến hiện tại, Golden City có 13 dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Vinh, chưa kể các dự án tại những tỉnh/thành khác.

Bên cạnh bất động sản là lĩnh vực mũi nhọn, doanh nghiệp còn lấn sân vào khai thác và chế biến khoáng sản, thương mại điện tử và truyền hình cáp với 8 đơn vị thành viên.

Được thành lập năm 2007 bởi doanh nhân họ Hồ - ông Hồ Văn Giang, Golden City có trụ sở chính tại số 25 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Lê Mao, TP. Vinh, Nghệ An. Tính đến hết năm 2019, ông Hồ Văn Giang nắm 80% cổ phần của công ty này, các cổ đông còn lại không rõ danh tính. Còn trước tháng 7/2018, ông Giang duy trì sở hữu gần 90%, trong khi đó ông Bùi Minh Tuấn - một cộng sự đắc lực nắm 10%.

Là nhà phát triển bất động sản, Golden City có tốc độ tăng trưởng về doanh thu khá ổn định trong giai đoạn 2016 - 2019, cụ thể: năm 2016 đạt 75 tỷ đồng, năm 2017 tăng gần gấp đôi lên 146 tỷ đồng, năm 2018 tiếp tục tăng thêm 57% lên 229 tỷ đồng, trước khi sụt xuống còn 197 tỷ đồng vào năm 2019.

Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty lại không có được sự tăng trưởng tốt như vậy. Trồi sụt và thậm chí là lỗ đậm mới là diễn biến chính của lợi nhuận công ty. Cụ thể, năm 2016, Golden City lỗ sau thuế 24 tỷ đồng; năm 2017 mới gượng dậy được một chút với khoản lãi 1,5 tỷ đồng thì năm 2018 đã tái lỗ 1,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2019, Golden City báo lỗ sau thuế lên tới 109,7 tỷ đồng.

Về tài sản, giai đoạn 2016 - 2019, tổng tài sản của công ty tăng đều (ngoại trừ năm 2019 sụt giảm), từ 664 tỷ đồng lên 1.085 tỷ đồng, tương đương tăng 63%.

Điều đáng chú ý hơn cả nằm ở nợ phải trả khi đột ngột tăng vọt từ 61,8 tỷ đồng (năm 2017) lên 344 tỷ đồng (năm 2018) trước khi sụt giảm xuống 258 tỷ đồng (năm 2019). Trên thực tế, đây là các khoản vay dài hạn của Golden City với giá trị lần lượt là 335,6 tỷ đồng (năm 2018) và 249,4 tỷ đồng (năm 2019).

Về vốn chủ sở hữu, ghi nhận cho thấy trong 3 năm 2017 – 2019, Golden City liên tục tăng vốn góp, từ 763,7 tỷ đồng lên 929,5 tỷ đồng rồi 966,9 tỷ đồng. Thế nhưng vốn chủ sở hữu lại trồi sụt trong cùng giai đoạn, lần lượt là: 734,9 tỷ đồng, 899 tỷ đồng và 826,7 tỷ đồng. Điều này là do công ty đang gánh lỗ lũy kế.

Ghi nhận cho thấy khoản lỗ lũy kế của Golden City ngày càng phình to ra: từ -28,8 tỷ đồng (năm 2017), tăng lên -30,4 tỷ đồng (năm 2018) và vọt lên -140,2 tỷ đồng (năm 2019).

Cùng chuyên mục
Tin khác