(VNF) - Không còn “hái ra tiền” như giai đoạn huy hoàng, sự chững lại của thị trường bất động sản thời gian qua đã tạo ra làn sóng nghỉ việc, chuyển nghề của “dân” môi giới.
Môi giới “chuyển hướng” khi thị trường trầm lắng
Các nút thắt về pháp lý khiến nguồn cung khan hiếm, sự suy giảm của thị trường trái phiếu khiến doanh nghiệp khó huy động vốn và “cú đá bồi” kiểm soát tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được xem là những nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản năm 2022 trở nên trầm lắng. Không có dòng vốn, việc triển khai dự án bị đứt đoạn, hoạt động mua bán bị đình trệ. Báo cáo 6 tháng đầu năm 2022 của Hội Môi giới bất sản Việt Nam cho thấy lượng cung toàn thị trường đạt mức thấp kỷ lục, chỉ 22.769 sản phẩm, bằng 1/7 so với năm 2018; tổng lượng giao dịch chỉ đạt 11.592, bằng khoảng 1/10 so với năm 2018. Các con số trên cho thấy nguồn hàng chào bán không dồi dào và thanh khoản thị trường suy yếu mạnh. Các thành tố tham gia vào thị trường đang chịu tác động lớn, trong đó có môi giới bất động sản.
Từ vài tháng nay, khá nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch và chịu cảnh thua lỗ khi chi phí quảng cáo vẫn đổ ra nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể. Giám đốc một sàn giao dịch (xin giấu tên) chuyên bán các dự án tại Quảng Ninh có trụ sở chính tại Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết nhiều môi giới đã bỏ nghề, một số đội, nhóm của sàn ông tan rã do không “trụ” được sau nhiều tháng không phát sinh giao dịch. Việc tuyển quân cũng đang gặp khó dù đã tăng lương cứng, tăng hỗ trợ chi phí marketing so với trước.
Tuy nhiên, cũng theo vị giám đốc này, phần lớn các nhân sự ngành môi giới nghỉ việc ở thời điểm này thường là những nhân sự trẻ, mới, chưa gắn bó lâu với nghề hoặc là những nhân sự không giỏi trong nghề nên khi thị trường có biến cố, họ không có tích lũy cả về tài chính và kinh nghiệm nên tự hoặc bị đào thải. “Những nhân sự bán hàng giỏi, là best seller vẫn đang gắn với nghề, kể cả trong giai đoạn khó khăn”, vị giám đốc này nhấn mạnh.
Nguyễn Hoài Thu, nhân viên kinh doanh một sàn giao dịch có trụ sở tại Royal City (Thanh Xuân) cho biết 5 tháng nay, nhóm Thu vẫn có giao dịch nhưng số lượng ít, chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giai đoạn thị trường tốt. Đáng nói, lợi nhuận từ các giao dịch, sau khi trừ các chi phí đã bỏ ra, là không đáng kể. Do đó, Thu và một thành viên khác trong nhóm đang bán thêm quần áo online để tăng thu nhập. Cũng theo Thu, nhiều nhân viên kinh doanh trong sàn chị làm đã nghỉ việc, chuyển sang làm các nghề khác do nhiều tháng liền không có giao dịch. “Có bạn thì xác định nghỉ hẳn, bạn thì xác định nghỉ tạm thời, chờ thị trường khởi sắc sẽ quay trở lại bán bất động sản”, Thu nói.
Trong khi đó, Đàm Văn Tú không bỏ nghề nhưng bỏ sàn cũ tìm sàn mới để tiếp tục bán bất động sản. Tú cho biết, lý do anh rời sàn cũ là do sàn anh chuyên bán các dòng sản phẩm thấp tầng cao cấp có giá trị hàng chục tỷ đồng. Dòng sản phẩm “triệu đô” này thanh khoản đang rất yếu nên Tú chuyển sang làm cho một sàn có nguồn hàng mới là một dự án chung cư tại Linh Đàm. “Tôi nghĩ trong bối cảnh này thì bất động sản hướng tới nhu cầu ở thực là chung cư nội đô sẽ luôn có nhu cầu nên quyết định chuyển hướng”, Tú chia sẻ và khoe đã bán được 2 căn hộ tại dự án này trong 2 tháng gần đây.
Thị trường khó - cơ hội thanh lọc nhân sự
Nhìn nhận về thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết thị trường trầm lắng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới bất động sản. Thời kỳ thị trường sôi động, đặc biệt là nóng sốt, đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này. Mức hoa hồng khủng của mỗi giao dịch thành công khiến nghề môi giới bất động sản có sức hút riêng. Đặc biệt, khi thị trường nóng sốt, việc kiếm tiền có phần dễ dàng nên nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới.
Trên thực tế, sự bùng nổ nhân sự đi cùng với quy trình tuyển dụng số lượng lớn, mang tính ồ ạt, dễ dãi ở một số đơn vị. Ứng viên không cần bằng cấp, không cần kinh nghiệm, chỉ cần tiêu chí mà một số sàn đưa ra là “đam mê kinh doanh, đam mê làm giàu”… là hoàn toàn có thể ứng tuyển. Theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 300.000 môi giới bất động sản đang hoạt động. Tuy nhiên, số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề rất khiêm tốn, đạt khoảng 35.000 người. Đại bộ phận các nhà môi giới hiện chỉ được đào tạo ngắn hạn về chính sách bán hàng của dự án bất động sản, thiếu chuyên nghiệp và chưa mang tính dài lâu. Do đó, ông Đính cho rằng không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, khó khăn, nhân sự của ngành có biến động lớn là nghỉ việc, bỏ nghề. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội để ngành môi giới bất động sản thanh lọc nhân sự, các đơn vị tuyển dụng có những kế hoạch dài hơi, bài bản hơn trong công tác tuyển dụng, đào tạo người.
Đồng quan điểm, bà Lê Ngọc Anh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bất động sản Times Pro, nhận định thời điểm này không phải là lúc bán hàng nhanh mà là lúc các môi giới phải nỗ lực không ngừng để trau dồi kiến thức, kĩ năng, chuyên môn sâu để có thể chăm sóc khách hàng tốt hơn, giải đáp được tất cả các vấn đề mà khách hàng “lăn tăn”. Khi thị trường trầm, các sàn càng phải chú trọng đào tạo nhân sự. Bên cạnh đó, sàn bắt buộc tìm những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng thời điểm này.
Là một người tham gia lâu năm trên thị trường, bà Ngọc Anh cho rằng, nghề môi giới bất động sản là một nghề khắt khe vì yêu cầu kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm chuyên môn rất vững để có thể tư vấn bán những sản phẩm giá trị lớn. Nghề này cần ở người môi giới sự kiên trì, bền bỉ, tận tâm và nỗ lực không ngừng trên hành trình làm nghề. Vì thế, với những môi giới mới vào nghề hay gặp khi thị trường khó, vài tháng không có giao dịch có thể khiến bản thân chán nản và rời bỏ công việc.
“Tuy nhiên, thị trường lên xuống là quy luật vận động tất yếu, hiểu được điều này sẽ có tâm thế bình thản, vững vàng để đợi thời mới, cơ hội mới. Không có đam mê, khó có thể tồn tại với nghề môi giới bất động sản. Nghề môi giới không chỉ là nghề, là kĩ năng, kiến thức mà còn là đam mê. Nếu bạn đến với một nghề nào đó chỉ để kiếm tiền thì khi cái đích kiếm tiền không được như ý, bạn cũng sẽ rời đi. Tôi cho rằng tiền bạc là yếu tố quan trọng nhưng không phải là mục đích duy nhất khi chọn, khi muốn gắn bó với một nghề như một phần tạo nên ý nghĩa, giá trị của cuộc sống cá nhân”, Chủ tịch Bất động sản Times Pro nhấn mạnh.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone