Tài chính quốc tế

Mỹ duyệt bán lô khí tài quân sự 330 triệu USD, Đài Loan ‘phấn khởi ra mặt’

(VNF) - Cơ quan ngoại giao Đài Loan bày tỏ sự vui mừng trước “tấm thịnh tình” của Washington và khẳng định, sự hỗ trợ này sẽ có tác động tích cực, đảm bảo sự hòa bình và ổn định của hai bờ eo biển Đài Loan.

Mỹ duyệt bán lô khí tài quân sự 330 triệu USD, Đài Loan ‘phấn khởi ra mặt’

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/9 đã phê chuẩn gói vũ khí trị giá 330 triệu USD bán cho Đài Loan, bao gồm các thiết bị quân sự cho nhiều loại máy bay, trong đó có máy bay chiến đấu F-16, máy bay vận tải C-130 và tiêm kích phòng thủ nội địa IDF, cũng như các hệ thống phụ trợ và hậu cần liên quan.

Quốc hội Mỹ sẽ có 30 ngày để phản đối quyết định, nhưng khả năng này khó xảy ra.

Cơ quan hợp tác An ninh quốc phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Đề xuất này sẽ đóng góp vào chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ bằng cách giúp cải thiện an ninh và khả năng phòng thủ của người nhận, vốn đã và đang tiếp tục là một lực lượng quan trọng cho sự ổn định chính trị, quân sự và tiến bộ kinh tế trong khu vực”.

Đáp lại, Đài Bắc ngày 25/9 đã cảm ơn sự ủng hộ của Mỹ đối với hòn đảo và cam kết “sẽ hợp tác chặt chẽ với Washington trong nhiều vấn đề, bao gồm cả an ninh”.

Washington cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc vào năm 1979 để ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc", nhưng vẫn là đồng minh chủ chốt và đóng vai trò nhà cung cấp vũ khí nước ngoài duy nhất của Đài Loan. Washington sau đó mở Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) để duy trì quan hệ giữa hai bên.

Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên lãnh đạo Đài Loan năm 2016, mối quan hệ giữa Trung Quốc đại lục và hòn đảo này ngày càng trở nên căng thẳng. Người đứng đầu chính quyền Đài Loan từ chối chấp nhận chính sách "Một Trung Quốc" và muốn duy trì trạng thái hiện nay.

Cuối tháng 6/2017, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ kí quyết định bán 1,4 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan.

Thương vụ bao gồm hỗ trợ kỹ thuật cho radar cảnh báo sớm, tên lửa chống bức xạ, ngư lôi và các thành phần tên lửa SM-2. Tất cả số vũ khí này được nhà thầu quân sự Raytheon cung cấp.

Hành động này khiến Trung Quốc tức giận khi cho rằng Mỹ không tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” của Bắc Kinh và làm hủy hoại lòng tin giữa hai bên.

Xem thêm >> Nga lên án hành động ‘bắt giữ người phi lý’ của Na Uy, tuyên bố sẽ đáp trả

Tin mới lên