Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Học giả Philippines Richard Heydarian, một chuyên gia về Biển Đông, nhận định rằng Washington đang áp dụng chiến lược rộng khắp để ngăn chặn sự hiện diện ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong khu vực.
Cụ thể, Hải quân Mỹ đã đẩy mạnh các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) và giờ đây công khai thách thức các hoạt động của Trung Quốc trong “vùng xám” (vùng không rõ ràng) tại khu vực tranh chấp.
Nhưng chuyên gia Philippines cho rằng nếu không được kiểm soát, cuộc đối đầu ngày càng gia tăng giữa hai siêu cường rất có thể sẽ châm ngòi cho cuộc xung đột toàn cầu tiếp theo. Ông Heydarian nhận định, FONOP dường như khiến Trung Quốc ngày càng hành động quyết liệt hơn, và FONOP cũng không đủ mạnh để đề phòng sự hiện diện quân sự ngày càng mở rộng của Bắc Kinh trong khu vực.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã thực hiện một chiến dịch chưa từng có nhằm thay đổi cả cấu trúc địa chính trị cũng như địa chất của các tranh chấp trên Biển Đông. Thông qua các hoạt động bồi đắp, Bắc Kinh đã tăng cường kiểm soát đối với một loạt các thực thể tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhiều trong số đó, có thể kể đến là đá Chữ thập, Vành khăn và Xubi, đã bị Trung Quốc biến thành các đảo nhân tạo, mà giờ đây được trang bị các đường băng, các cơ sở quân sự lớn và các hệ thống vũ khí tiến tiến.
Các đối thủ và các quốc gia trong khu vực đã công khai cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa các tranh chấp và đang tạo tiền đề cho một khu vực nhận dạng phòng không trong vùng biển quốc tế.
Các quan chức Mỹ, như Thượng nghị sĩ James Inhofe - Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện, đã cáo buộc Trung Quốc “chuẩn bị cho Thế chiến III” thông qua việc quân sự hóa một tuyến đường biển huyết mạch của thế giới.
Trong một hành động thay đổi chính sách, Washington về mặt chính thức vẫn duy trì sự trung lập về tình trạng chủ quyền của các đảo tranh chấp, nhưng vẫn công khai thách thức các yêu sách của Bắc Kinh bằng việc triển khai các tàu chiến vào vùng 12 hải lý quanh các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng.
Mỹ đã cố gắng gia tăng sự thách thức bằng cách lập luận rằng Trung Quốc, hơn bất kỳ quốc gia có yêu sách nào khác ở Biển Đông, đại diện cho một mối đe dọa trực tiếp đối với tự do hàng hải quân sự và hàng không trong khu vực. Trung Quốc là nước duy nhất công khai phải đối các hoạt động hải quân của Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng sức ép bằng việc thường xuyên tiến hành FONOP và công khai thách thức các lực lượng bán quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Gần đây nhất, Mỹ đã điều 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường, USS Spruance và USS Preble, áp sát quần đảo Trường Sa.
Khi ông Barack Obama làm tổng thống, trung bình chỉ có một cuộc tuần tra tự do hàng hải được tiến hành mỗi quý, nhưng chính quyền Trump tiến hành FONOP hầu như mỗi tháng 1 lần.
Hồi tháng 11 năm ngoái, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc dỡ bỏ các thiết bị quân sự trên các thực thể tranh chấp, trong khi công khai đối đầu việc Bắc Kinh sử dụng lực lượng bán quân sự trong vùng biển tranh chấp.
Trong Đối thoại an ninh và chiến lược Mỹ-Trung hồi tháng 11/2018, ông Mattis đã kêu gọi tất cả “quân đội, lực lượng thực thi pháp luật, các tàu dân sự, máy bay Trung Quốc… hoạt động một cách an toàn và chuyên nghiệp phù hợp luật pháp quốc tế trong khi chúng ta tìm cách giải quyết hòa bình tất cả các tranh chấp ở Biển Đông”.
Lầu Năm Góc đã cảnh báo Trung Quốc rằng cơ quan này sẽ coi lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc (PAFMM) và các lực lượng bán quân sự khác là các lực lượng hải quân. Do đó, Hải quân Mỹ sẽ áp dụng các quy tắc giống nhau đối với hải quân Trung Quốc và PAFMM.
Theo chiến lược “chiến tranh không khói súng”, Lầu Năm Góc khẳng định, Trung Quốc đã kết hợp các lực lượng bảo vệ bờ biển và bán quân sự, cùng với hải quân, để thực thi các yêu sách chủ quyền rộng lớn trên biển, hăm dọa các đối thủ trong khu vực tranh chấp và hạn chế tự do đi lại về mặt quân sự của các cường quốc bên ngoài.
Đô đốc Richardson đã cảnh báo Bắc Kinh về hành vi “cản trở một tàu này, cắt mặt một tàu kia và ném vật thể ngay trước tàu đó”, và kêu gọi một cách tiếp cận “cơ bắp hơn” của Mỹ nhằm đối phó với việc Trung Quốc sử dụng lực lượng bán quân sự và các chiêu trò “vùng xám” khác.
Tuy nhiên, chuyên gia Heydarian cho rằng việc Lầu Năm Góc mở rộng hoạt động hải quân dường như không có tác dụng răn đe với Trung Quốc mà chỉ khiến Bắc Kinh củng cố các yêu sách trong khu vực.
Cựu Đại tá quân đội Trung Quốc Yue Gang đã chỉ ra rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tính toán lại chiến lược của mình, do “các chiến thuật vùng xám vẫn tận dụng lợi thế địa chính trị so với Mỹ”, và các lực lượng bán quân sự của Bắc Kinh “có thể khó bị các láng giềng khác trong khu vực thách thức”.
Kết cục là một sự bế tắc chiến lược, vốn cho thấy tầm quan trọng của việc thể chế hóa các cơ chế phòng ngừa xung đột. Theo ông Heydarian, ít nhất là hai siêu cường thế giới có thể thực thi kiên quyết hơn các biện pháp xây dựng lòng tin, như Bộ quy tắc tránh các đối đầu trên biển 2014, được thiết nhằm tránh các cuộc đối đầu bất ngờ. Chuyên gia Philippines cho rằng, có lẽ, đã đến lúc để hai bên mở rộng các cơ chế như vậy đối với các lực lượng tàu vỏ trắng (các tàu tuần duyên hay cảnh sát biển), trong đó có cả các nhân tố bán quân sự của Trung Quốc.
Xem thêm >> Thực hư việc ngân hàng Nga 'đóng băng tài khoản' của tập đoàn dầu khí Venezuela
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.