Công nghệ

Mỹ tính cắt đứt nguồn cung ứng chip của Huawei trên toàn cầu?

(VNF) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc thay đổi các quy định nhằm chặn nguồn cung chip bán dẫn cho Huawei từ các nhà cung ứng nổi tiếng như TSMC Đài Loan, hãng gia công chip di động lớn nhất thế giới.

Mỹ tính cắt đứt nguồn cung ứng chip của Huawei trên toàn cầu?

Mỹ đã liên tục gây sức ép để các đồng minh cấm Huawei tham gia các mạng dữ liệu di động 5G thế hệ mới ở nước mình với lý do nguy cơ an ninh.

Theo nguồn tin của Reuters, các hạn chế mới về thương mại với Tập đoàn viễn thông Huawei thuộc Trung Quốc là một trong số các phương án được cân nhắc xem xét tại các cuộc họp cao cấp của Mỹ trong tuần này và tuần tới.

Trong đó, đề xuất chặn chuỗi cung ứng chip đã được soạn thảo sẵn nhưng cần phải nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan.

Nếu được chấp thuận, các biện pháp này sẽ là một cú đánh mạnh vào Huawei và TSMC, hãng cung cấp sản lượng chip lớn cho các chip HiSilicon của Huawei.

“Những gì họ đang cố gắng làm là đảm bảo rằng không có con chip nào mà họ có thể kiểm soát được có thể đến tay Huawei”, nguồn tin của Reuters cho biết.

Cũng theo Reuters, để nhắm mục tiêu vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu cho Huawei, Mỹ sẽ thay đổi quy định "Sản phẩm trực tiếp nước ngoài" (FDP), áp dụng với một số mặt hàng sản xuất ở nước ngoài dựa trên công nghệ và phầm mềm Mỹ.

Theo dự thảo sửa đổi, các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị có nguồn gốc Mỹ để sản xuất chip phải được cơ quan quản lý của Mỹ cấp phép trước khi bán sản phẩm cho các đối tượng đặc biệt, trong đó có Huawei.

Tuy nhiên, sự mở rộng quyền kiểm soát của chính quyền Mỹ đối với hoạt động giao thương toàn cầu có thể khiến các đồng minh nổi giận.

Mới đây, ngày 18/2, thẩm phán liên bang Amos Mazzant tại bang Texas đã bác bỏ đơn kiện (đệ lên vào tháng 3/2019) của Huawei, theo đó cáo buộc một đạo luật Mỹ là vi hiến khi hạn chế khả năng của Huawei trong việc kinh doanh với các cơ quan liên bang và nhà thầu Mỹ.

Trong quyết định dài 57 trang, thẩm phán Amos Mazzant ra phán quyết kết luận rằng Quốc hội Mỹ đã hành động trong khuôn khổ quyền lực của mình bằng cách áp đặt những hạn chế trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng (NDAA 2019), vốn cũng nhắm vào hoạt động của Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/2 đã yêu cầu Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell ngừng chia sẻ thông tin tình báo với các nước làm ăn với Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc.

Cụ thể, Đại sứ Grenell cho biết Tổng thống Trump "đã chỉ thị tôi làm rõ rằng bất cứ nước nào chọn sử dụng nhà bán hàng 5G không đáng tin cậy đều sẽ bị ảnh hưởng đến khả năng chia sẻ thông tin tình báo ở mức cao nhất”.

Từ tháng 5/2019, Huawei đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại, vi phạm lệnh trừng phạt Iran và hoạt động gián điệp. Ngoài ra, ông Donald Trump cũng ký lệnh cấm công ty này tham gia vào quá trình triển khai hạ tầng mạng 5G tại Mỹ.

Chưa dừng lại, Mỹ cũng kêu gọi các quốc gia đồng minh không sử dụng cơ sở hạ tầng viễn thông 5G của Huawei cung cấp với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Trong khi đó, Huawei liên tục phủ nhận mọi cáo buộc từ phía Mỹ và cho rằng đó là những cáo buộc không có căn cứ.

Xem thêm >> Ông Trump tiếp tục ‘chĩa mũi nhọn’ vào Huawei sau các cáo buộc hình sự mới

Tin mới lên