Nền kinh tế ngầm là gì? Nguyên nhân hình thành kinh tế ngầm
Thanh Hằng -
28/07/2018 06:15 (GMT+7)
(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Nền kinh tế ngầm hay khu vực kinh tế ngầm (underground economy or illegal activity) là gì? Nguyên nhân hình thành kinh tế ngầm là gì?
Nền kinh tế ngầm là gì?
Nền kinh tế ngầm hay khu vực kinh tế ngầm (underground economy or illegal activity) Khái niệm dùng để chỉ các hoạt động kinh tế bất hợp pháp (sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả) hoặc các hoạt động bị che giấu (không khai báo) để trốn thuế.
Khi nói đến nền kinh tế ngầm, chúng ta cần chú ý đến hai điểm:
Một là, giá trị của các hoạt động kinh tế ngầm thường không được tính vào GDP.
Hai là, phương tiện trao đổi mà nó sử dụng là tiền mặt.
Trong các mô hình kinh tế, chúng ta giả định công chúng và ngân hàng thương mại giữ toàn bộ tiền mặt do ngân hàng trung ương phát ra. Nhưng thực ra đây chỉ là giả định để đơn giản hóa. Trên thực tế, khu vực kinh tế ngầm (không nằm trong mô hình kinh tế) nắm giữ một lượng tiền mặt lớn. Khi lạm phát cao, khu vực này cũng đóng một khoản thuế lạm phát lớn cho chính phủ.
Ví dụ, nếu tỷ lệ lạm phát là 10%, thì một người buôn ma túy nắm giữ 100 triệu đồng tiền mặt phải đóng thuế lạm phát 10 triệu đồng cho chính phủ.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Nguyên nhân hình thành kinh tế ngầm
Trình độ phát triển thấp của nền kinh tế, tính tự cung tự cấp và di sản của kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu;
Tâm lý xã hội nhìn chung vẫn chưa thiện cảm với người giàu. Vì vậy thói quen che giấu sự giàu có, che giấu thu nhập còn khá phổ biến;
Sự giàu lên một cách nhanh chóng đều bị đánh giá chính thức hay không chính thức là phi pháp, hoặc là do chiếm đoạt của công, hoặc do buôn lậu, trốn thuế;
Ở Việt Nam, vấn đề là tại sao doanh nghiệp vẫn có xu hướng phi chính thức, ngay cả những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và mã số hải quan. Nói cách khác, cả các doanh nghiệp "chính thức" cũng cố giấu một phần không nhỏ doanh thu và lợi nhuận. Các điều tra nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy luật lệ quá nhiều, quá phức tạp, không rõ ràng, được lý giải không thống nhất và nhất quán của các cơ quan nhà nước đã là nguyên nhân trước hết của tình trạng ngầm khá phổ biến và ở quy mô lớn trong hoạt động kinh doanh;
Sự hoạt động ngầm của nền kinh tế còn do thuế. Thuế suất các loại ở Việt Nam không cao hơn nhiều so với nhiều nước khác, nhưng mức thuế thực tế phải nộp thì thường rất cao, và người nộp thuế không dự tính được số thuế thực tế phải nộp. Hơn nữa quá trình nộp thuế tại Việt Nam còn vô cùng rườm rà và mất thời gian. Trên thực tế, cơ quan thuế quyết định các khoản chi, mức chi hợp lý, hợp lệ và cả giá tính thuế để khấu trừ mức thu nhập chịu thuế. Trong không ít các trường hợp cơ quan thuế ấn định mức thuế các loại phải nộp ngay từ đầu kỳ và cuối kỳ chỉ làm các thủ tục giấy tờ "hợp thức hóa" số thuế đã nộp mà thôi.