Tài chính quốc tế

Nga lo ngại Mỹ tác động khiến Dòng chảy phương Bắc 2 bị ‘vô hiệu hóa’, Đức nói gì?

(VNF) - Đức cho biết dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) cho tới nay vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU).

Nga lo ngại Mỹ tác động khiến Dòng chảy phương Bắc 2 bị ‘vô hiệu hóa’, Đức nói gì?

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.

“Chính phủ liên bang đã tuyên bố rõ ràng trong thỏa thuận liên minh rằng các dự án năng lượng ở Đức phải tuân thủ các yêu cầu của châu Âu, đặc biệt là Dòng chảy phương Bắc 2. Hiện tại dự án này chưa đáp ứng các yêu cầu đó, vì vậy quá trình chứng nhận đã bị đình chỉ”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói trong tuyên bố phát ra ngày 10/1.

Theo bà Annalena Baerbock, việc Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động trong tương lai rất có ý nghĩa về mặt địa chính trị, bởi vậy Đức yêu cầu dự án này phải đáp ứng tất cả các yêu cầu trước khi được chứng nhận.

Bà Baerbock cho biết quá trình cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ bị ‘’đóng băng’’ cho tới khi nhà điều hành của dự án có những thay đổi phù hợp với yêu cầu của EU.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Baerbock, châu Âu cần củng cố sự độc lập về năng lượng để đảm bảo mỗi người dân châu Âu, bất kể ở mức thu nhập nào, vẫn có thể mua được điện và khí đốt.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là công ty Uniper và công ty Wintershall Dea thuộc tập đoàn BASF của Đức, Tập đoàn dầu khí quốc tế Shell, tập đoàn OMV của Áo và Tập đoàn Engie của Pháp.

Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Hiện tại, quá trình cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream 2 AG, công ty vận hành dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đang được tiến hành. Toàn bộ quá trình, theo yêu cầu pháp lý, có thể mất vài tháng.

Tuy nhiên, trong tuyên bố ngày 16/11, Cơ quan Quản lý năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) lại đưa ra kết luận rằng Dòng chảy phương Bắc 2 chưa tuân thủ luật pháp Đức.

Tới ngày 16/12, cơ quan quản lý năng lượng Đức cho biết "sẽ không có quyết định nào" về việc cấp phép thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trong 6 tháng đầu năm 2022.

Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực.

Chia sẻ với hãng tin RIA Novosti mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Pankin bày tỏ lo ngại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga có thể không vượt qua được thủ tục chứng nhận của Liên minh châu Âu (EU).

"Chúng ta có thể tưởng tượng rằng người Mỹ sẽ bảo người Đức không mua một ounce khí đốt của Nga qua Dòng chảy phương Bắc 2. Đường ống này có thể được chứng nhận hoặc không. Họ có thể làm bất cứ điều gì", Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói.

Ông Pankin đồng thời lo ngại Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới sẽ làm vô hiệu hóa hoàn toàn việc chứng nhận Dòng chảy phương Bắc 2.

Xem thêm >> ADB ký kết khoản vay 25 triệu USD với TPB

Tin mới lên