Nga siết nguồn cung, Đức ký thỏa thuận khí đốt ‘lịch sử’ với UAE

Minh Đăng - 26/09/2022 09:43 (GMT+7)

(VNF) - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có trữ lượng khí đốt lớn thứ ba thế giới sau Nga và Iran, và là nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới. Việc Đức ký thỏa thuận mua LNG từ UAE được cho là mang tính bước ngoặt để bù đắp cho việc thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga.

VNF
Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ về việc cung cấp LNG dài hạn.

Ngày 25/9, trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới thủ đô Abu Dhabi của UAE, hai nước đã ký một bản ghi nhớ về việc cung cấp LNG dài hạn, bắt đầu từ năm 2023.

Cụ thể, công ty năng lượng RWE có trụ sở tại Essen (Đức) đã ký hợp đồng nhận lô LNG đầu tiên từ Công ty dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) với khối lượng 137.000m3, tương ứng khoảng 822 triệu kWh.

Theo thoả thuận, khí đốt từ ADNOC sẽ được vận chuyển bằng tàu tới trạm nổi của RWE ở thành phố Brunsbüttel, bang Schleswig-Holstein thuộc miền Bắc nước Đức, sớm nhất là vào cuối tháng 12. Tiếp đó sẽ có thêm nhiều đợt giao hàng được thực hiện trong năm 2023.

Theo RWE, thương vụ này đánh dấu "cột mốc quan trọng" đối với nguồn cung LNG trong tương lai của Đức.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp UAE Sultan Al-Jaber cũng hoan nghênh đây là thỏa thuận mới mang tính lịch sử nhằm củng cố mối quan hệ đối tác năng lượng đang phát triển giữa UAE và Đức.

Không chỉ cung cấp LNG, ADNOC cũng đã ký thỏa thuận cung cấp 250.000 tấn dầu diesel mỗi tháng tới Đức trong năm 2023. Trong tháng 9, sẽ có một chuyến giao hàng trực tiếp dầu diesel tới Đức.

Sau chuyến thăm UAE, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ tiếp tục tới Qatar để tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới. Hai nước được cho là sẽ là thảo luận về các kế hoạch dài hạn cho những chuyến hàng khí đốt và hydro.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Qatar cho hay các cuộc đàm phán mới về những hợp đồng LNG dài hạn với các công ty Đức hiện đang được tiến hành.

Khác với nhiều nước châu Âu khác, Đức không có trạm chứa và tái hóa khí nào trên đất liền để xử lý khí hóa lỏng nhập khẩu. Hiện tại, Đức vẫn phải dựa vào các trạm ở các nước châu Âu khác và điều này đang hạn chế khả năng nhập khẩu của nước này.

Mới đây, phát biểu tại một sự kiện ngày 13/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay nhờ các cơ sở nhập khẩu LNG đang được xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay và năm sau, nhu cầu khí đốt của Đức có thể được đảm bảo từ các quốc gia như Mỹ, Na Uy và nhiều quốc gia khác. Do đó Đức có thể hoàn toàn thoát khỏi phụ thuộc Nga về khí đốt.

Cũng theo ông Scholz, cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên của nước này sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 1 năm tới. Các cơ sở khác sẽ được tiếp tục hoàn thành trong năm để mở rộng việc nhập khẩu khí hóa lỏng.

Xem thêm >> Dự trữ dầu của Mỹ xuống mức thấp kỷ lục trong gần 40 năm

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác