Nghĩa trang kỹ thuật số: Trung Quốc cải cách ngành 'công nghiệp' 40 tỷ USD

Quỳnh Anh - 16/08/2023 22:44 (GMT+7)

(VNF) - Đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng và khan hiếm đất đai, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang thí điểm các không gian chôn cất thẳng đứng với màn hình điện tử thay vì bia mộ.

VNF
Trung Quốc đang "cách mạng hoá" ngành công nghiệp tang lễ của mình.

Chôn cất thời "kỹ thuật số"

Khi ai đó qua đời ở Bắc Kinh, thi thể thường được hỏa táng và tro cốt được chôn sau bia mộ tại một trong những nghĩa trang công cộng của thành phố. Gia đình và bạn bè sẽ tập trung tại địa điểm chôn cất để thắp hương và tỏ lòng thành kính.

Tuy nhiên, Zhang Yin, một cư dân địa phương ở độ tuổi 40, đã chọn một nghi thức chôn cất rất khác khi bà của cô qua đời vào đầu năm nay.

Tro cốt của bà cô được cất giữ trong một ngăn của một căn phòng lớn tại Nghĩa trang Taiziyu của Bắc Kinh, gần giống như một hộp ký gửi an toàn tại ngân hàng. Một màn hình điện tử trên cửa khoang hiển thị hình ảnh và video của người quá cố thay cho bia mộ truyền thống.

Đây là một lựa chọn tiết kiệm đất, giá cả phải chăng hơn và phù hợp với xu hướng ngày càng tăng của các gia đình Trung Quốc muốn tổ chức tang lễ cá nhân hóa hơn cho người thân của họ.

Cô Zhang nói: “Các nghĩa trang truyền thống ở ngoài trời, tiếp xúc với gió và mặt trời. Nếu bạn đưa con cái đến đó, chúng sẽ chỉ nhìn thấy những ngôi mộ trơ trụi, chẳng có ý nghĩa gì với chúng. Đối với các nghĩa trang kỹ thuật số, các gia đình có thể cùng nhau xem hình ảnh của những người thân đã khuất”.

Một nghĩa trang kỹ thuật số được điều hành bởi Beijing Jiuli Digital Technology.

Cả chính quyền địa phương và các công ty tang lễ ở Trung Quốc đang thử nghiệm những cách mới để tiến hành các nghi thức chôn cất khi nước này đối mặt với tình trạng khan hiếm đất đô thị và dân số già đi nhanh chóng.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, số ca tử vong hàng năm đã tăng lên 10,4 triệu vào năm 2022, tăng 6,7% so với năm 2016. Hội đồng Nhà nước cũng nói rằng Bắc Kinh cần cố gắng giảm tổng diện tích đất chiếm dụng của các nghĩa trang công cộng xuống còn khoảng 70% diện tích hiện tại vào năm 2035 và nước này đã thúc đẩy các hình thức chôn cất khác để tiết kiệm không gian.

Bắc Kinh không phải là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc khuyến khích đám tang kỹ thuật số. Vào tháng 8/2022, Thượng Hải đã khai trương một nghĩa trang công nghệ kỹ thuật số với Fu Shou Yuan International Group Ltd., nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tang lễ hàng đầu. Các dịch vụ mới hơn của Fu Shou Yuan bao gồm vi phim cuộc sống hoặc cuộn phim chứa ảnh của người quá cố để tưởng niệm trực tuyến.

Jin Leiyi, phó chủ tịch của Fu Shou Yuan, cho biết mục đích của dịch vụ là tạo ra một cuốn hồi ký cho mỗi người khi họ qua đời. Ông nói, cuốn hồi ký này có thể giúp các thế hệ tương lai hiểu được người đã khuất là người như thế nào khi còn sống.

Ông Jin cho biết thời đại bỏ tiền “chỉ để mua đất và mua đá” cho tang lễ sẽ sớm kết thúc. Thay vào đó, nhiều tiền hơn sẽ được chi cho khoa học và công nghệ cũng như trải nghiệm cảm xúc của các nghĩa trang, ông nói.

Chi phí thấp hơn, tốn ít đất hơn

Chính quyền Trung Quốc coi sự thay đổi này là một bước cần thiết để bảo tồn đất đai và giảm chi phí.

Một nghĩa trang kỹ thuật số có diện tích 20m2 có thể chứa hơn 150 ô, trong khi một địa điểm có kích thước tương tự sẽ chỉ chứa được 6 ngôi mộ truyền thống.

Với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về nhu cầu dịch vụ tang lễ. Quy mô thị trường của nước này vào năm 2020 là 258 tỷ NDT (35,6 tỷ USD) và được dự đoán sẽ đạt 411 tỷ NDT (56 tỷ USD) vào năm 2026, theo báo cáo của công ty tư vấn Huaon Ican - Công ty tư vấn doanh nghiệp về ngành dịch vụ tang lễ của Trung Quốc.

Tính kinh tế là một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất của nghĩa trang kỹ thuật số. Một đám tang kỹ thuật số trung bình có giá khoảng 56.000 NDT (7,6 nghìn USD) tại Nghĩa trang Taiziyu của Bắc Kinh, chỉ bằng 1/3 chi phí của một khu chôn cất ngoài trời truyền thống trong cùng khu vực.

Kể từ đầu năm, hơn 500 lô kỹ thuật số đã được bán ở Bắc Kinh trong số khoảng 7.000 điểm có sẵn, theo Beijing Jiuli Digital.

Hầu hết những người chết ở Trung Quốc đều được hỏa táng, nhưng một số cư dân vẫn mua một khu đất để chôn tro cốt dưới lòng đất để thể hiện sự tôn trọng người đã khuất. Tuy nhiên, việc này có thể sớm trở nên khó khăn do nhiều chính quyền địa phương có thể cấm việc chôn cất thi thể để bảo tồn đất.

Việc chính phủ thúc đẩy các tang lễ và chôn cất tiết kiệm không gian và bền vững hơn cũng là cơ sở cho các sáng kiến ​​ở cả Bắc Kinh và Thượng Hải, chẳng hạn như thúc đẩy cái gọi là chôn cất xanh, bao gồm việc rải tro cốt trên biển.

“Tại các thành phố lớn như Thượng Hải, không có nguồn cung đất cho các nghĩa trang trong nhiều năm. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn ở Hong Kong, nơi tình trạng khan hiếm đất dành cho nghĩa trang đặc biệt gay gắt”, ông Jin Leiyi nói.

Kích thích những sáng kiến mới, tạo cơ hội việc làm

Ở Hong Kong, lưu trữ tro cốt trong các hộc của các nhà thờ quy mô lớn từ lâu đã trở thành tiêu chuẩn. Nhà thờ thẳng đứng tư nhân đầu tiên của thành phố gần đây đã được khai trương để cung cấp không gian nghĩa trang trong một tòa nhà hiện đại.

Sử dụng công nghệ song sinh kỹ thuật số, công ty mai táng Fu Shou Yuan ở Thượng Hải đã mở một lăng mộ trực tuyến mô phỏng lại môi trường vật chất và có thể thể tiến hành nghi lễ chôn cất "ảo".

Nơi tổ chức lễ tưởng niệm ảo của người thân với người đã khuất.

Dự án “Thiên đường trên đám mây” của công ty cho phép khách hàng tạo các hòn đảo ảo bằng hình ảnh, tài sản kỹ thuật số, tệp âm thanh của một người, v.v. Người dùng có thể tùy chỉnh các yếu tố như điều kiện thời tiết và thực vật, thậm chí có thể sở hữu thú cưng ảo trên đảo.

Thông qua việc sao chép giọng nói, chân dung, v.v. của người quá cố, những người thân yêu có thể tương tác với dạng kỹ thuật số của người quá cố, chia sẻ câu chuyện cuộc đời của họ và truyền lại câu chuyện gia đình cho nhiều thế hệ.

Fu Shou Yuan đã hợp tác với Unity Software, công cụ thiết kế trò chơi và ứng dụng cung cấp 70% trò chơi di động hàng đầu trên toàn thế giới. 

Các công ty đang làm việc để tạo ra các hình ảnh đại diện kỹ thuật số thực tế của những người sau khi họ qua đời và đã phát hành phiên bản 3D của nhân vật.

Những tiến bộ công nghệ như vậy đang thu hút những người trẻ tuổi vào ngành. Trong vài tháng qua, hashtag “Tang lễ có tỷ lệ việc làm 100%” trên Weibo đã thu được 200 triệu lượt xem. Các cơ hội việc làm đầy hứa hẹn đã khiến số lượng đăng ký tham gia các chương trình liên quan đến tang lễ tại một số trường đại học ngày càng tăng, vào thời điểm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc đang ở mức kỷ lục.

Xem thêm >> Trung Quốc vướng ‘hạn tam tai’: Bất động sản lao đao, nhân dân tệ đuối sức

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác