Ngoại trưởng Nga: Nghe ‘chỉ thị’ của Mỹ, EU thiệt hại hơn 114 tỷ USD

Minh Đăng - 06/11/2018 15:15 (GMT+7)

(VNF) - Trả lời phỏng vấn tờ El Pais của Tây Ban Nha ngày 5/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Liên minh châu Âu (EU) thiệt hại tới 100 tỷ euro (khoảng 114 tỷ USD) do áp đặt loạt trừng phạt lên Nga theo “chỉ thị” của Mỹ.

VNF
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

"Có nhiều con số khác nhau về thiệt hại của các nước EU vì các lệnh trừng phạt qua lại với Nga. Nhiều nguồn tin cho rằng số tiền đã vượt quá 100 tỷ Euro. Dường như một số chính trị gia châu Âu đã ý thức được điều này”, ông Lavrov cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lavrov, các biện pháp trừng phạt Nga lại không hề gây thiệt hại cho Mỹ.

“Do đó, đã đến lúc các chính trị gia châu Âu cần hiểu rằng những hành động đơn phương áp đặt trừng phạt lên Nga là không có lợi cho cả Moscow lẫn EU”, ông Lavrov nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Lavrov cũng khẳng định Nga sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trả đũa EU, tuy nhiên liên minh này cũng phải có hành động tương tự trước.

Theo ông Lavrov, nguyên nhân chính khiến Nga và phương Tây bất đồng do một số quốc gia “bằng mọi giá duy trì vị thế lãnh đạo” của mình trên trường quốc tế, tiếp tục áp đặt "ý chí chính trị" của mình, gây phương hại cho các nước

Trước đó, con số 100 tỷ Euro cũng được Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev nhắc tới trong bài phát biểu bên lề Hội nghị Cấp cao Á Âu lần thứ 12 (ASEM) hồi tháng 10.

Thủ tướng Nga cũng nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt làm chậm sự phát triển, tác động tới cả Nga và EU, khiến hàng loạt lĩnh vực hợp tác song phương bị đình trệ.

Hồi tháng 9/2017, báo cáo của đặc phái viên Idris Jazairi đánh giá về tác động của các lệnh trừng phạt Mỹ và EU áp đặt lên Nga từ năm 2014 cho thấy, nền kinh tế EU chịu thiệt hại tới hơn 100 tỷ USD và tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga ở mức 55 tỷ USD.

Sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine dẫn tới việc Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Moscow và Nga cũng đáp trả bằng lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU.

Hồi tháng 4, chính quyền Berlin đã gửi kiến nghị tới Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị cho phép thương mại Đức được tách ra khỏi các chế tài trừng phạt áp đặt với Nga.

Đề nghị này không phải chỉ áp dụng với một số tập đoàn hay doanh nghiệp nhất định, mà là đối với toàn bộ nền thương mại của Đức.

Các tập đoàn lớn của Đức như Siemens, Daimler và Volkswagen đã bị thiệt hại nặng nề khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty Nga trong lĩnh vực hợp tác với EU. Các doanh nhân Đức lo ngại họ sẽ tếp tục mất hàng trăm triệu Euro vì những trở ngại đến từ lệnh trừng phạt Nga của Mỹ.

Năm 2017, Phòng Thương mại Nga-Đức thuộc chính phủ Nga công bố kết quả thăm dò ý kiến các công ty của Đức đang hoạt động tại Nga, cho thấy 97% đại diện doanh nghiệp Berlin đánh giá tiêu cực về các biện pháp trừng phạt của Washington áp đặt đối với Moscow.

Xem thêm >> Vừa tung chế tài 'nặng nề nhất' đối với Iran, Mỹ cảnh báo ‘sẽ mạnh tay hơn’

Theo RT
Cùng chuyên mục
Tin khác