Tài chính

Người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện kết luận của thanh tra, kiểm toán

Trao đổi với PV về dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Luật sư Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law bày tỏ sự thống nhất cao với các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Thanh tra Nhà nước (TTNN) theo hướng: Cơ quan nào ban hành kết luận, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; cũng như cần thiết phải có sự phối hợp của ngân hàng trong quản lý thuế.

Người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện kết luận của thanh tra, kiểm toán

Người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện kết luận của thanh tra, kiểm toán. (Ảnh minh hoạ)

- Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN và TTNN, nhiều ý kiến đồng thuận với dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) theo hướng cơ quan KTNN, TTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kiến nghị, kết luận do KTNN, TTNN ban hành. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?

Vừa qua đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan KTNN, TTNN trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Tôi cho rằng 3 cơ quan (Thuế, KTNN, TTNN) về bản chất là 3 cơ quan độc lập nhau. Việc tham gia của KTNN và TTNN nếu không quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm sẽ dẫn đến việc “quýt làm cam chịu”.

Vì thế tôi thống nhất cao với quy định tại Điều 21 và Điều 22 của dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN và TTNN. Trong đó, tại Điều 21 quy định: “Cơ quan KTNN chịu trách nhiệm đối với các kiến nghị của mình liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và có trách nhiệm gửi văn bản có kiến nghị kiểm toán cho người nộp thuế để thực hiện.

Người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kiến nghị của cơ quan KTNN liên quan đến nghĩa vụ thuế. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của cơ quan KTNN thì người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kiến nghị của KTNN”.

Với nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của TTNN cũng vậy, Điều 22 quy định: “Cơ quan TTNN trực tiếp chịu trách nhiệm đối với kết luận của mình liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và có trách nhiệm gửi văn bản có kết luận cho người nộp thuế để thực hiện.

Người nộp thuế có trách nhiệm thực hiện kết luận của cơ quan TTNN liên quan đến nghĩa vụ thuế. Trường hợp người nộp thuế không đồng ý với kiến nghị của cơ quan TTNN thì người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận của cơ quan TTNN”.

Quy định như vậy là chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, tránh được những tồn tại phát sinh trên thực tế đã xảy ra trong thời gian vừa qua.

- Liên quan đến những ý kiến còn khác nhau về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan quản lý thuế, xin bà cho biết ngành ngân hàng cần có trách nhiệm pháp lý thế nào đối với công tác quản lý thuế hiện nay?

Cũng như ý kiến của tôi về việc quy định trách nhiệm của KTNN và TTNN, các cơ quan khác như nêu ở trên cũng cần được quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm rõ ràng để cùng phối hợp trong công tác quản lý thuế; tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, hoặc lấn sân nhau mà đối tượng bị thiệt hại là các cá nhân, tổ chức được Luật Quản lý thuế điều chỉnh, dẫn đến “một cổ mấy tròng” rồi đến khi chờ “được vạ thì má đã sưng”.

Tôi cũng đã từng phát biểu trên báo chí về sự cần thiết phải có sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước trong việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế.

Trong thời đại kỹ thuật số bùng nổ như hiện nay, các giao dịch thương mại điện tử ngày càng nhiều nhưng không được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến quyền lợi của khách hàng bị xâm phạm nghiêm trọng.

Việc mua hàng chỉ đơn giản bằng cú nhấp chuột nhưng giải quyết hậu quả của những hành vi vi phạm như hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, chất lượng thì lại kéo theo rất nhiều cơ quan quản lý khác nhau mới có thể giải quyết được.

Do đó, đối với nhiều giao dịch điện tử thông qua hình thức kinh doanh qua mạng, cơ quan thuế càng cần phải quản lý việc nộp thuế. Để làm được việc này thì việc đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin là điều hết sức cần thiết và ngân hàng cũng cần có trách nhiệm trong việc quản lý thuế cho Nhà nước.

- Cho ý kiến về thẩm quyền xóa nợ thuế trong dự thảo luật, các ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/2 thống nhất với cơ quan soạn thảo là chủ tịch UBND tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng; Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xóa nợ thuế đối với doanh nghiệp nợ thuế quá 10 năm nhưng không có khả năng thu hồi có khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt từ 10 tỷ đồng trở lên. Theo bà, quy định thẩm quyền xóa nợ như vậy có hợp lý không?

Tôi cho rằng việc phân cấp thẩm quyền xóa nợ thuế như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định xóa nợ thuế, những người có thẩm quyền xóa nợ thuế cần xác minh rõ những đối tượng thuộc diện xóa nợ, tránh tình trạng trục lợi từ những quy định của pháp luật.

Nếu người có thẩm quyền được xóa nợ, nhưng làm trái quy định nhà nước thì phải bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tin mới lên