Tài chính quốc tế

Nguồn gốc Covid-19 chưa ngã ngũ, G7 kêu gọi WHO tiếp tục đến Trung Quốc điều tra

(VNF) - Trong tuyên bố chung ngày 13/6, các nhà lãnh đạo G7 kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục tiến hành một cuộc điều tra giai đoạn 2 minh bạch, khoa học về nguồn gốc Covid-19 tại Trung Quốc.

Nguồn gốc Covid-19 chưa ngã ngũ, G7 kêu gọi WHO tiếp tục đến Trung Quốc điều tra

Các nhà lãnh đạo dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh.

Trong ngày họp cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh G7, lãnh đạo các nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada và Italy) đã ra Tuyên bố chung Vịnh Carbis, trong đó đề cập tới các biện pháp nhằm tạo tiền đề ngăn chặn khủng hoảng y tế, kinh tế tương tự đại dịch Covid-19 trong tương lai.

"Chúng tôi kêu gọi WHO dẫn đầu một cuộc nghiên cứu giai đoạn 2 kịp thời, minh bạch, được dẫn dắt bởi các chuyên gia và dựa trên cơ sở khoa học về nguồn gốc Covid-19 ở Trung Quốc, như khuyến nghị trong báo cáo của các chuyên gia", tuyên bố nêu rõ.

Trước đó, sau cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 ngày 12/6, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng bày tỏ hy vọng sẽ có sự hợp tác tốt hơn và minh bạch hơn khi giai đoạn tiếp theo của cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 được tiến hành.

"Chúng tôi cần sự hợp tác từ phía Trung Quốc. Chúng tôi cần sự minh bạch để hiểu, biết hoặc tìm ra nguồn gốc của loại virus này, hoặc tìm ra nguồn gốc của loại virus này… sau khi báo cáo được công bố, đã có những khó khăn trong việc chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu thô", ông Ghebreyesus nhấn mạnh.

Trong tuyên bố phát ra ngày 13/6, người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc ở London (Anh) đã nhấn mạnh rằng: "Thời kỳ một nhóm nhỏ các quốc gia quyết định các vấn đề toàn cầu đã qua lâu rồi. Chúng tôi luôn tin rằng các quốc gia dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, nghèo hay giàu đều bình đẳng, và các vấn đề thế giới nên được giải quyết thông qua sự tham vấn của tất cả các quốc gia”.

Sau hơn 16 tháng WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được xác định và vẫn đang là đề tài gây tranh cãi. Những ngày qua, chủ đề điều tra nguồn gốc Covid-19 lại nóng lên.

Trước đó, hồi cuối tháng 3, WHO đã công bố báo cáo dài 120 trang về nguồn gốc Covid-19. Theo báo cáo, virus SARS-CoV-2 có "nhiều khả năng" lây sang người từ vật trung gian là một động vật hoang dã bị bắt và nuôi trong trang trại. Tuy nhiên, báo cáo chưa chỉ ra được đây là loài vật cụ thể nào.

Báo cáo của WHO cũng cho rằng virus đã lây lan trên người không quá 1-2 tháng trước khi nó được phát hiện vào tháng 12/2019

Được biết, bản báo cáo trên là kết quả điều tra phối hợp giữa nhóm chuyên gia của WHO và giới chức Trung Quốc trong chuyến điều tra tại tâm dịch Vũ Hán hồi cuối tháng 1, đầu tháng 2.

Xuyên suốt 240 mặt giấy, báo cáo của WHO chỉ đánh giá khả năng "ít, nhiều" của các giả thuyết mà không đưa ra lời khẳng định cụ thể nào khiến nhiều nước lên tiếng chỉ trích.

Nhóm chuyên gia của WHO thừa nhận trong quá trình điều tra họ đối mặt với nhiều sức ép, trong đó có cả sức ép chính trị, nhưng họ không bao giờ bỏ qua "các yếu tố quan trọng" trong báo cáo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã yêu cầu tiến hành cuộc điều tra tình báo mới của Mỹ về nguồn gốc đại dịch. Một số nhà lãnh đạo phương Tây cũng ủng hộ một cuộc điều tra mới của WHO nhằm khám phá tất cả giả thuyết có thể xảy ra.

Xem thêm >> Thế giới tuần qua: Các nước giàu 'đua nhau' chia sẻ vaccine Covid-19, Trung Quốc thông qua luật chống trừng phạt

Tin mới lên