Nhiều doanh nghiệp BĐS 'tài chính yếu vẫn tăng cường phát hành trái phiếu'

Anh Hùng - 28/10/2024 17:00 (GMT+7)

(VNF) - Đoàn Giám sát của Quốc hội cho biết có nhiều doanh nghiệp khả năng tài chính còn yếu nhưng vẫn tăng cường phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Chính sách còn nhiều bất cập

Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, đánh giá trình tự, thủ tục còn phức tạp, nhà đầu tư phải thực hiện nhiều bước quy trình theo quy định của nhiều VBQPPL khác nhau như đất đai, đầu tư, đấu giá, đấu thầu, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, quản lý tài sản công, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy… thiếu liên thông, thống nhất, một số quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến ách tắc trong triển khai dự án.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính còn nhiều bất cập; việc giải quyết hồ sơ còn chậm, thời gian thường dài hơn so với thời hạn pháp luật quy định; nhiều thủ tục không xác định được thời hạn. Việc thẩm định dự án, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế xây dựng trên cơ sở quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt còn phức tạp. Việc chậm tiến độ dự án trở thành tình trạng phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến phương án kinh doanh của chủ đầu tư và những khách hàng đã nộp tiền.

Đoàn Giám sát cũng nhận thấy, khả năng tiếp cận đất đai còn khó khăn. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất, tính giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3) theo quy định của pháp luật về đấu thầu, về xác định thời điểm giao đất để định giá đất. Hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất có biểu hiện bất thường, tạo mặt bằng giá đất cao; quy trình đấu giá còn phức tạp.

Việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại gặp vướng mắc do sự thay đổi của quy định pháp luật; một số dự án không thể thỏa thuận được hết diện tích đất nên không thể triển khai được dự án hoặc hoàn thành dự án. Các địa phương còn lúng túng trong việc giao, cho thuê đất có nguồn gốc do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nông lâm trường; sắp xếp cơ sở nhà đất của cơ quan nhà nước; thực hiện hình thức xây dựng - chuyển giao (dự án BT); việc sử dụng quỹ đất để thanh toán theo hợp đồng BT đã ký kết.

Tình trạng chậm định giá đất diễn ra ở nhiều địa phương, là vướng mắc chính dẫn đến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất còn vướng mắc, đặc biệt đối với sản phẩm bất động sản mới.

Một số dự án bất động sản còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện kéo dài có nguyên nhân từ việc pháp luật qua các thời kỳ thay đổi, dẫn đến vướng mắc rất khó tháo gỡ. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, việc thực hiện rà soát pháp lý đối với các dự án bất động sản theo các kết luận thanh tra, kiểm toán kéo dài, chưa có kết quả, dẫn đến chậm xử lý các thủ tục triển khai thực hiện dự án bất động sản, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, khách hàng đã mua bất động sản.

Nhiều rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp

Đoàn Giám sát cho biết trong giai đoạn 2015 - 2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đều có sự tăng trưởng, chiếm tỷ trọng từ 18-21% trong tổng dư nợ tín dụng chung của nền kinh tế. Các doanh nghiệp bất động sản là tổ chức phát hành lớn trên thị trường trái phiếu (chỉ sau ngân hàng thương mại) với mức lãi suất phát hành cao, có những thời điểm gần gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm của ngân hàng để thu hút các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các dự án bất động sản mới khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, lãi suất còn cao; một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ cao, tiềm ẩn rủi ro tín dụng; quy định nội bộ về cấp tín dụng, công tác thẩm định, tái thẩm định tài sản bảo đảm, kiểm tra, giám sát sau cho vay còn nhiều tồn tại….

Hình thức huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp bất động sản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là phát hành trái phiếu riêng lẻ nhưng còn nhiều bất cập. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp khả năng tài chính còn yếu nhưng vẫn tăng cường phát hành trái phiếu.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2023, thống kê từ báo cáo của các doanh nghiệp và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu gửi về Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tình hình chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản là khoảng hơn 42.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 50,7% tổng khối lượng chậm thanh toán gốc, lãi toàn thị trường.

Bên cạnh đó, theo Đoàn Giám sát, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp quy mô lớn nhưng không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu, tiềm ẩn rủi ro trong bảo đảm thanh toán trái phiếu đến hạn; tổ chức tư vấn phát hành, tổ chức phân phối trái phiếu không cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho nhà đầu tư.

Theo Báo cáo thị trường trái phiếu Việt Nam của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp bất động sản không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu năm 2021 là 29%.

Cùng chuyên mục
Tin khác