'Nhiều ông lớn bất động sản bán tháo tài sản từ 100 tỷ đến 1.000 tỷ'

Lệ Chi - 15/11/2022 17:26 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch HĐQT Công ty Sohovietnam - đơn vị chuyên tư vấn M&A bất động sản cho biết, nhiều chủ dự án từ khu đô thị, khu công nghiệp cho đến tòa nhà văn phòng, khách sạn, resort, dự án chưa xây hoặc đang xây dở dang, hoặc tài sản đang vận hành... đang nhờ công ty ông bán. Hầu hết đây là những doanh nghiệp quy mô lớn.

VNF
'Nhiều ông lớn bất động sản bán tháo tài sản từ 100 tỷ đến 1.000 tỷ đồng'

Thị trường bất động sản cuối năm ghi nhận nhiều khó khăn khi một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như: dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…

Ngoài ra, một số “ông lớn” bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.

Trong một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho biết, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, một số doanh nghiệp “đói vốn” phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, hoặc phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng).

Ông Châu cho rằng việc bán dự án với giá hời có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thâu tóm có thể làm mất đi lợi thế của các doanh nghiệp trong nước đang thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp lớn… nhờ bán dự án để xoay vốn

Nói với VietnamFinance, ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch HĐQT Công ty Sohovietnam - đơn vị chuyên tư vấn M&A bất động sản, cho biết: “Thời điểm hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản liên hệ với chúng tôi để nhờ bán tài sản. Hầu hết là những doanh nghiệp quy mô lớn”.

Ông Cần cho biết nhiều dự án từ khu đô thị, khu công nghiệp cho đến tòa nhà văn phòng, khách sạn, resort, dự án chưa xây hoặc đang xây dở dang, hoặc tài sản đang vận hành... đều được nhờ bán với giá trị tài sản từ 100 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Cần cho hay số lượng người có tiền đi “săn” dự án không nhiều. Hơn nữa, những dự án họ chọn đều phải có pháp lý sạch sẽ, có tiềm năng trong tương lai, vị trí phải đẹp và giá phải giảm.

“Các tài sản như tòa nhà văn phòng, khách sạn, nhà phố, khu căn hộ cho thuê… vị trí phải cực đẹp và giá rẻ thì may ra giờ mới bán được”, Chủ tịch Sohovietnam nói và cho biết trong quá trình thương lượng, giá bán giảm khoảng 15% - 20%. Đa số khách hàng là nhà đầu tư trong nước, trong khi nhà đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 30%.

Thực tế hiện nay, theo ông Cần, những dự án có hồ sơ pháp lý đầy đủ thì chủ đầu tư đã ra hàng từ năm 2020-2021, có một số ít 20% - 30% dự án hiện có tính pháp lý đầy đủ, còn đa phần là dự án pháp lý đang dở dang.

Khối ngoại dẫn dắt M&A bất động sản sắp tới

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, đánh giá thị trường M&A bất động sản từ đầu năm đến nay vẫn thu hút các quỹ lớn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường hiện đang chững lại. Cộng thêm khủng hoảng nền kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư đang tạm thời chờ đợi, nghe ngóng nhiều hơn. Hơn nữa, các dự án đều vướng pháp lý cho nên họ không có nhiều sản phẩm để mua.

Dự báo M&A bất động sản thời gian tới, CEO Cushman & Wakefield nhận định sẽ rất sôi động và khối ngoại sẽ là đối tượng dẫn dắt trên thị trường.

Đối với nhà đầu tư nội hiện nay, nữ CEO cho rằng họ đang sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều, chủ yếu là vốn vay và phát hành trái phiếu, khi thâm dụng đòn bẩy quá sức mình thì sẽ gặp khó khăn. Đây sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư đã kiên nhẫn, chờ đợi thị trường và có chiến lược rõ ràng đi săn dự án.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Sohovietnam nhìn nhận thị trường M&A bất động sản sang năm 2023 sẽ sôi động, lúc đó người bán sẽ có quyết tâm bán, người mua quyết tâm mua hơn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng M&A bất động sản sắp tới còn phụ thuộc vào dòng tiền.

Theo ông Phan Xuân Cần, bản chất thị trường M&A hoàn toàn phụ thuộc vào việc có vay vốn được không, tức là sử dụng được đòn bẩy để đi thâu tóm. Đối với dòng tiền khối ngoại hiện nay, ông nói rằng khó khăn như doanh nghiệp nội, vì lãi suất của họ cũng tăng, tín dụng thắt chặt và bảng giá tài sản cũng bị rơi. Chính vì vậy, thời điểm này, ai cầm tiền mặt là “vua”, bất kể là nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.

Dưới góc nhìn của TS Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, thị trường M&A giai đoạn 2023-2024 sẽ gặp phải làn sóng tương đối trầm lắng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư có sẵn tiền mặt mua lại các dự án hấp dẫn.

“Có thể nói đây là thị trường của người mua không phải là thị trường của người bán nữa. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp mặt nhiều hơn trong thời gian tới, bởi vì nguồn tiền trong nước đang hạn hẹp khi lãi suất tăng lên và thanh khoản ít dần”, vị tiến sĩ phân tích.

Cùng chuyên mục
Tin khác