Tiêu điểm

Nóng trong tuần: 14 gia đình xứ Nghệ báo con mất tích ở Anh, ĐBQH bật khóc khi tranh luận tăng giờ làm thêm

(VNF) - Vụ 39 người chết trong thùng container tại Anh hôm 23/10 đã gây chấn động dư luận quốc tế. Đến thời điểm hiện tại đã có 9 gia đình ở Hà Tĩnh, 5 gia đình ở Nghệ An trình báo chính quyền có con mất tích ở Anh từ hôm 23/10.

Nóng trong tuần: 14 gia đình xứ Nghệ báo con mất tích ở Anh, ĐBQH bật khóc khi tranh luận tăng giờ làm thêm

14 gia đình xứ Nghệ báo con mất tích ở Anh

Thảm kịch 39 thi thể trong container ở Anh

Rạng sáng 23/10, cơ quan cứu thương hạt Essex, đông bắc thủ đô London của Anh, nhận được cuộc gọi trình báo về một phát hiện ghê rợn bên trong thùng container trên chiếc xe đang đỗ ở khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays. Khi các nhân viên y tế mở cửa thùng xe, họ phát hiện thi thể 38 người lớn và một thiếu niên, được cho là người nhập cư.

Cảnh sát hạt Essex của Anh ban đầu tin rằng tất cả nạn nhân gồm 31 nam và 8 nữ đều là người Trung Quốc, tuy nhiên nhà chức trách nước này đang điều tra nghi vấn có nạn nhân mang quốc tịch ngoài Trung Quốc.

Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Anh cho biết đang phối hợp chặt chẽ với cảnh sát để tìm hiểu thông tin liên quan đến diễn biến mới này.

Theo Sky News đưa tin sáng 27/10, container chứa 39 thi thể là một phần của đoàn gồm ba chiếc xe chở hơn 100 người.

Hai xe trong đoàn đã hoàn thành chuyến đi nhưng chiếc thứ ba chở 39 người bị kẹt lại ở một địa điểm chưa rõ. 39 người này sau đó được phát hiện đã tử vong trong container đông lạnh. Điểm đến của hai xe còn lại chưa được xác định.

Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh cho biết hiện Hà Tĩnh có 9 trường hợp được gia đình xác nhận có con mất tích ở Anh, bao gồm cả hai người do gia đình trình báo từ hôm 25/10 là chị Phạm Thị Trà My (quê ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) và anh Bùi Thái Thắng (quê ở thị xã Hồng Lĩnh). Người nhà của Phạm Thị Trà My cho hay trước khi mất liên lạc, Trà My nhắn tin gửi cho mẹ với nội dung "con chết vì không thở được".

Tại Nghệ An, tới trưa 26/10, có 5 gia đình tại các xã Đô Thành, Thọ Thành (huyện Yên Thành), xã Hưng Đông (thành phố Vinh) báo có con mất tích ở Anh. Nhà chức trách đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để xác minh, song cho rằng việc trình báo chủ yếu dựa vào thông tin người thân của họ từ Anh báo về. Các gia đình cần đợi công bố chính thức từ nhà chức trách nước sở tại.

Liên quan đến vụ này, Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, UBND các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, các địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh, làm rõ vụ việc để có các biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế; điều tra phát hiện các vụ việc đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thủ tướng cũng giao Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Anh theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, làm việc với các cơ quan liên quan phía Anh để xác nhận danh tính nạn nhân trong trường hợp là công dân Việt Nam (nếu có), thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân theo quy định.

Thủ tướng yêu cầu các bộ khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ trên, báo cáo Thủ tướng trước ngày 5/11/2019. (Xem thêm)

Đại biểu Quyết Tâm bật khóc khi tranh luận về tăng giờ làm thêm

Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 23/10 chứng kiến màn tranh luận của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP. HCM) về quy định giờ làm thêm trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Phát biểu tại hội trường, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất giữ nguyên quy định hiện nay về giờ làm việc bình thường, khu vực hành chính 40 giờ mỗi tuần, khu vực doanh nghiệp 48 giờ; còn giờ làm thêm tối đa tăng lên theo dự thảo Bộ luật, 400 giờ/năm thay vì 300 giờ như hiện nay.

Ủng hộ việc giữ nguyên 48 giờ vì “phù hợp với nền kinh tế và rất nhân văn, hợp lý”, theo ông Vũ Tiến Lộc, hầu hết quốc gia có trình độ tương tự Việt Nam, là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp, đều quy định thời gian làm việc như vậy. Với điều kiện nước ta hiện nay, việc áp dụng thời gian lao động như các nước xung quanh là phù hợp.

Chủ tịch VCCI cho rằng việc rút ngắn thời gian làm việc bình thường sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, gây trở ngại cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng, khó đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Tranh luận với ý kiến của ông Lộc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng khi nói đến vấn đề giờ làm, chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ, tâm thế của họ khi đến làm việc, nhìn vào những đứa trẻ mà họ phải gửi về quê.

“Có người mẹ, người cha nào muốn xa con mình hay không, thậm chí một năm, hai năm chưa về thăm được con" - bà Tâm đang tranh luận thì bật khóc - "Có những người ông, người bà rất già vẫn phải giữ cháu để con đi làm việc. Ta trân trọng những người như thế, vì họ không cam chịu, không muốn trở thành gánh nặng cho xã hội, họ phải đi tìm việc làm"

“Thế mà lại nói rằng họ tự nguyện để làm quần quật suốt ngày. Họ tự nguyện? Họ không tự nguyện mà họ cần làm thêm để có thu nhập. Vậy thì vai trò của Quốc hội ở đây là phải làm chính sách thế nào để người công nhân có thu nhập đủ sống, đủ trang trải, để họ có thời gian học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc bản thân, gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội. Đó là quyền con người mà Hiến pháp đã quy định”, bà Tâm không kìm nén được cảm xúc. (Xem thêm)

Khởi tố nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến

Chiều 22/10, Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng phối hợp với Viện kiểm sát Quân sự Trung ương thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Khoản 3 Điều 360 Bộ Luật hình sự năm 2015.

Lệnh khởi tố được ban hành khi cơ quan chức năng thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo 110 và Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức “Út trọc”), Bùi Văn Nga và đồng phạm về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo khoản 3 Điều 229 và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015. (Xem thêm)

Đắk Lắk kỷ luật 2 đại tá quân đội vi phạm trong quản lý đất đai

Ngày 26/10, Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk ban hành kết luận về việc xem xét kỷ luật Đảng một số tổ chức, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Ana xem xét thi hành kỷ luật đối với đại tá Trần Lưu Huỳnh, Bí thư chi bộ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy quân sự huyện nhiệm kỳ 2010-2015, nguyên Chính trị viên Ban chỉ huy Quân sự huyện Krông Ana) bằng hình thức cách chức đảng ủy viên Đảng ủy quân sự huyện nhiệm kỳ 2010-2015. Đồng thời, xem xét cho ông Huỳnh thôi giữ chức bí thư chi bộ, chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Krông Ana.

Bên cạnh đó, Uỷ ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng thống nhất thi hành kỷ luật đại tá Nguyễn Đình Cường (đảng viên chi bộ thôn Quỳnh Tân 1, Đảng bộ thị trấn Buôn Trấp, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên đảng ủy viên Đảng ủy quân sự huyện nhiệm kỳ 2010-2015, nguyên chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Krông Ana) bằng hình thức cảnh cáo. (Xem thêm)

Ông Trương Minh Tuấn ký duyệt mua AVG vì được hứa... cho làm Bộ trưởng

VKSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố 14 bị can trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Tổng công ty Mobifone và một số đơn vị liên quan.

Cáo trạng xác định ông Nguyễn Bắc Son là người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu, định hướng cho Mobifone mua cổ phần của AVG.

Theo đó, ông Son biết rõ năng lực tài chính của AVG rất xấu, kinh doanh bết bát, nhưng với mục đích mong muốn Mobifone sớm thực hiện được dự án mua cổ phần của AVG trong năm 2015 nên đã chỉ đạo các ông Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải khẩn trương triển khai thực hiện dự án.

Sau đó, Phạm Nhật Vũ đã bán cho Mobifone 95% cổ phần AVG với giá hơn 8.898 tỷ đồng cao hơn giá trị thật của AVG gây thiệt hại số tiền hơn 6.475 tỷ đồng của Nhà nước tại Mobifone. Đáng chú ý, sau khi được MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng Phạm Nhật Vũ đã đưa cho Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD.

Theo cáo trạng, các bị can nhận thức được hành vi, vi phạm của mình, biết rõ việc nhận tiền của Vũ là do đã chỉ đạo, quyết định Mobifone mua cổ phần của AVG nên số tiền nhận là từ thương vụ này.

Ngoài ra, ông Trương Minh Tuấn còn khai thực hiện sự chỉ đạo của Son vì được ông Son hứa hẹn tạo điều kiện để làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. (Xem thêm)

Tin mới lên