Nước Mỹ đã chạm 'trần' nợ

Minh Ý - 20/01/2023 10:59 (GMT+7)

(VNF) - Chính phủ Mỹ đã đạt giới hạn vay 31.400 tỷ USD vào ngày thứ Năm (19/1), trong bối cảnh Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát và Đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden vẫn chưa thể giải quyết bất đồng về việc nâng mức trần nợ, điều có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính ở Mỹ trong vòng vài tháng.

VNF
Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã cảnh báo về việc đạt trần nợ với Nghị viện từ tuần trước.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính Mỹ đang bắt đầu sử dụng các biện pháp đặc biệt để tránh vỡ nợ các khoản thanh toán, như Bộ trưởng Janet đã thông báo cho các nhà lãnh đạo Nghị viện trong một bức thư được gửi vào tuần trước, trong đó cảnh báo rằng Washington sẽ sớm đạt trần nợ vào ngày 19/1, và các nhà lập pháp cần khẩn trương thực hiện các biện pháp để nâng mức trần nợ.

Các biện pháp đặc biệt được áp dụng, theo bà Janet, có thể giúp nước Mỹ tránh vỡ nợ cho đến ngày 5/6.

Trong số các biện pháp được đề ra, Bộ Tài chính trước mắt đang thay đổi các khoản đầu tư vào hai quỹ hưu trí do chính phủ điều hành. Động thái này sẽ giúp Bộ Tài chính có phạm vi tiếp tục thực hiện các khoản thanh toán liên bang trong khi chưa thể tăng trần nợ.

Các quỹ cụ thể bị ảnh hưởng bởi động thái của Kho bạc Mỹ là Quỹ Hưu trí và Khuyết tật Dịch vụ Dân sự (CSRDF), cung cấp các lợi ích xác định cho nhân viên liên bang đã nghỉ hưu và khuyết tật; và Quỹ Phúc lợi Y tế cho Người về hưu của Dịch vụ Bưu chính, hay PSRHBF, cung cấp các khoản thanh toán phí bảo hiểm sức khỏe cho người về hưu qua dịch vụ bưu chính. 

Đối với quỹ CSRDF, bà Yellen nói rằng Kho bạc đang bước vào “giai đoạn đình chỉ phát hành nợ” bắt đầu từ thứ Năm (19/1) và kéo dài đến ngày 5/6. Còn đối với PSRHBF, Bộ Tài chính sẽ đình chỉ các khoản đầu tư bổ sung vào số tiền được ghi quỹ, bà Yellen cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính sử dụng các biện pháp này. Kể từ năm 1985, cơ quan này đã sử dụng các biện pháp như vậy hàng chục lần.

Tuần trước, bà Yellen cũng đã thông báo rằng Bộ Tài chính cũng dự kiến ​​khai thác nguồn lực của quỹ thứ ba, tức Quỹ Đầu tư Chứng khoán Chính phủ của Kế hoạch Tiết kiệm Tiết kiệm cho Hệ thống Hưu trí của Nhân viên Liên bang, hay còn gọi là Quỹ G, trong tháng này.

Gennadiy Goldberg, chiến lược gia lãi suất cao cấp của Mỹ tại TD Securities, cho biết Bộ Tài chính hiện có khoảng 350 - 400 tỷ USD dư nợ. Điều đó, cùng với dòng doanh thu sẽ đến từ thuế thu nhập cá nhân đến hạn vào tháng 4, sẽ cho phép Kho bạc hoạt động cho đến khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 mà không hết tiền mặt.

Hiện không rõ Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện các biện pháp đặc biệt tới thời điểm nào, bởi lẽ, cả Đảng Cộng hoà lẫn Đảng Dân chủ đều đang không nhượng bộ nhau và coi việc nâng trần nợ là một kế hoạch đấu tranh lợi ích.

Cụ thể, Đảng Cộng hòa đang cố gắng tận dụng vị thế đa số trong Hạ viện để uy hiếp chương trình nâng trần nợ, nhằm buộc cắt giảm các chương trình của chính phủ, đồng thời lập luận rằng Bộ Tài chính có thể tránh vỡ nợ trong thời gian bế tắc bằng cách ưu tiên thanh toán nợ. 

Nhưng Nhà Trắng đang từ chối ý tưởng đó.

"Sẽ không có cuộc đàm phán nào về trần nợ. Nghị viện phải giải quyết vấn đề này vô điều kiện như họ đã làm 3 lần dưới thời cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump”, phó thư ký báo chí Nhà Trắng Olivia Dalton nhắc lại hôm thứ Năm (19/1). 

Xem thêm >> Nước Mỹ cạn kiệt tiền mặt, nguy cơ vỡ nợ vào tháng 6/2023

Theo Bloomberg, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác